Tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cho người tiêm mũi 1 Moderna: Chuyên gia y tế nói gì?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna là rất tốt, sẽ không có bất cứ vấn đề nào trong độ an toàn hay hiệu quả nếu tiêm trộn 2 loại vaccine này.

Vaccine Pfizer và Moderna cùng sử dụng công nghệ mRNA
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4/9, TP đã nhận tổng cộng 10,3 triệu liều vaccine Covid-19 từ Bộ Y tế, trong đó có hơn 4,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 571.000 liều vaccine Moderna, 312.510 liều vaccine Pfizer và 5 triệu liều vaccine Vero Cell.
Tính đến hết ngày 3/9, TP đã tiêm 6,3 triệu liều, trong đó hơn 5,9 triệu mũi 1 và gần 398.000 mũi 2. 
Tuy nhiên, sau khi đã tiêm 624.418 liều vaccine Moderna (bao gồm khối bộ, ngành). Trong đó, khối TP tiêm mũi 1 là 518.821 liều và mũi 2 là 53.990 liều, thì tính đến nay, số người chưa tiêm mũi 2 vaccine Moderna là rất lớn. Vì vậy, để tăng độ bao phủ vaccine, cũng như sớm đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khả năng TP sẽ dùng vaccine Pfizer (trong 1 triệu liều vaccine Pfizer và AstraZeneca) mà TP vừa được Bộ Y tế phân bổ để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm Moderna mũi 1.

Liên đến nội dung này, dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi về độ an toàn và tính hiệu quả khi “tiêm trộn” vaccine Pfizer và Moderna?
 Việc tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna được cho phép tại nhiều nước. Nguồn: REUTERS
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, vào đầu tháng 6/2021, Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada (NACI) đã cập nhật hướng dẫn về vaccine Covid-19, theo đó nhưng người đã được tiêm mũi đầu là Moderna hay Pfizer thì mũi thứ 2 có thể tiêm một trong 2 loại này. NACI nói rõ: "Nếu sản phẩm cùng loại không có sẵn hoặc không rõ đã tiêm loại nào, vaccine mRNA được coi là có thể thay thế cho nhau". 
Chiều ngày 8/9, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng nhận định, trong bối cảnh khan hiếm vaccine Covid-19 như hiện nay, có thể nghĩ đến việc sử dụng vaccine khác tiêm mũi 2 mà không nhất thiết phải tiêm vaccine cùng loại.
Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện trên thế giới có 2 loại vaccine Covid-19 cùng áp dụng công nghệ mã di truyền mRNA là Pfizer và Moderna. Do đó, hai vaccine này có cấu hình an toàn tương đương nhau và sẽ không có bất cứ vấn đề gì về độ an toàn hay hiệu quả nếu tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 Pfizer và ngược lại.
“Theo tôi được biết, ở các nước châu Âu, họ đã áp dụng tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 Pfizer cho người dân và bước đầu cho thấy có những hiệu quả khả quan, đặc biệt ở nhóm người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna hoặc mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm trộn Pfizer/Moderna” - bác sĩ Khanh dẫn chứng.
Đặc biệt, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới đã phối trộn như vậy và không có vấn đề gì xảy ra cả, hiệu quả bảo vệ rất tốt. Vấn đề là khi áp dụng TP Hồ Chí Minh cũng phải làm sao tạo điều kiện để người dân được tiêm vaccine nhanh nhất, tạo hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất.
 Bác sĩ Trương Hữu Khanh, người tham gia xây dựng phác đồ điều trị nhiều loại bệnh ở trẻ và cũng là chuyên gia tư vấn việc phòng bệnh cho Bộ Y tế. Nguồn: Bộ Y tế 
"Vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất"
Khi được hỏi về quyết định “để dành” hơn 37.000 liều vaccine Moderna cho người tiêm mũi 2 của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và tình trạng “đứt” vaccine Moderna mũi 2 ở TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Khanh thẳng thắng bày tỏ quan điểm "vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất".
Theo đó, bác sĩ Khanh cho rằng, tùy tình hình dịch bệnh của từng địa phương mà chính quyền sẽ có hướng tiêm chủng khác nhau. Không thể so sánh là cách làm của TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Bởi vì hai địa phương khác nhau, với tình hình dịch bệnh khác nhau.
“Dịch bùng phát ở TP Hồ Chí Minh sớm hơn Đồng Nai, mật độ dân số dày hơn, diễn biến dịch cũng phức tạp hơn. Chưa kể, như tôi đã phân tích ở trên, ngay từ đầu TP Hồ Chí Minh đã xác định ưu tiên vaccine Moderna cho người già, người có bệnh nền. Đây là đối tượng nguy cơ, khi có vaccine phải tiêm ngay, không thể chờ đợi, vì đó là vấn đề sinh mạng. Tôi ủng hộ và đánh giá cao cách làm của TP, vì vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất” - bác sĩ Khanh nói.
Đồng thời, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, việc tỉnh Đồng Nai “để dành” hơn 37.000 liều vaccine Moderna tiêm mũi 2, có thể xuất phát từ việc tỉnh này đã cân nhắc được hạn sử dụng của vaccine dài hơn thời gian so với quy định tiêm mũi 2 sau 28 ngày. Và chắc chắn cách làm này phù hợp với tình hình dịch bệnh của Đồng Nai.
"Người dân cần bình tĩnh hiểu rằng khi đã tiêm được mũi 1 chắc chắn đã có hiệu quả bảo vệ tương đối. Hãy tin tưởng và ủng hộ các quyết định tiêm vaccine của TP Hồ Chí Minh” - bác sĩ Khanh nói thêm.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực tìm kiếm vaccine
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngoài sự phân bổ vaccine Covid-19 từ Bộ Y tế, TP cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine để sớm tiêm cho người dân một cách nhanh nhất.
Trong nỗ lực tìm kiếm vaccine đảm bảo chất lượng về cho người dân, khoảng từ tháng 6/2021 UBND TP đã có đề xuất mua 5 triệu liều vaccine Moderna. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp một số vướng mắc trong điều kiện hợp đồng nên đến nay việc nhập khẩu 5 triệu liều vaccine này vẫn chưa được thực hiện.
Theo báo cáo, nếu hợp đồng được ký kết, có thể lịch giao vắc xin Moderna dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
Ngoài ra, UBND TP tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan yêu cầu Moderna đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10/2021.
Đồng thời tiếp tục đàm phán để mua ít nhất 10 triệu liều vaccine tăng cường (tiêm mũi 2) và giao trong đầu quý 2/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần