Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm thúc đẩy ngành khí phát triển ổn định, bền vững thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Mong muốn giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam”.

 Ảnh toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South). Hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gas Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam… cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí tới tham dự.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nêu rõ, Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.

 Ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chia sẻ Thực trạng vi phạm kinh doanh LPG tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trước nước, Bộ Công Thương chia sẻ: Hiện thị trường khí tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, thế nhưng sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải, ở miền Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. 
Bên cạnh đó, theo ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên là 615 triệu đồng. Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Mặt khác, việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý.

 ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ về thực trạng chính sách thị trường khí tại Việt Nam.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Dương cho rằng: “Công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng dù biết loại bình các bình gas mini trên thị trường chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã bàn về những vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.