Năm 2011, UBND TP giao chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) 30 dự án với diện tích 17.96ha, thu đạt 2.450 tỷ đồng (không bao gồm các dự án đấu giá đất xen kẹt, nhỏ lẻ trong khu dân cư). Nhưng từ đầu năm đến nay, mới có 8 đơn vị tổ chức đấu giá 3ha đất, thu được 522,65 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch được giao. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã như Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Sơn Tây, Từ Liêm… chưa tổ chức đấu giá được bất kỳ dự án nào trong năm 2011.
Đại diện nhiều quận, huyện cho rằng, công tác ĐGQSDĐ năm nay gặp khó vì các quận, huyện lúng túng và vướng mắc về thủ tục. Nếu như các trước đây, việc ĐGQSDĐ được các quận, huyện tự thực hiện, thì năm nay lại ủy quyền cho các tổ chức bán đấu giá, nhiều quận, huyện không biết định giá bán là bao nhiêu.
Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện chưa tổ chức được công tác ĐGQSDĐ, chưa thu được một đồng nào (năm 2011, TP giao Từ Liêm thu tiền ĐGQSDĐ 150 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân là do quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện vẫn chưa có, dù Thủ tướng đã ban hành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thừa nhận, công tác ĐGQSDĐ trong năm nay đạt kết quả thấp một phần do các quy định của pháp luật về ĐGQSDĐ chưa đầy đủ, một số nội dung chưa có thông tư hướng dẫn và bộ máy, con người thực hiện công tác đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến ĐGQSDĐ đạt kết quả thấp.
Hy vọng vào tháng 12
Để thực hiện kế hoạch, đảm bảo nguồn thu ngân sách được giao, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND TP thành lập Hội đồng bán ĐGQSDĐ trong trường hợp đặc biệt để tổ chức đấu giá một số dự án ngay trong tháng 12 tới, như dự án ĐGQSDĐ tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) và dự án ĐGQSDĐ ở tại xã Ngũ Hiệp - Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì).
Liên quan đến những khu đất đã được đấu giá, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính đề nghị, các chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng trong năm 2011, tránh kéo dài thời gian xây dựng hạ tầng gây bức xúc cho người dân và nhà đầu tư trúng đấu giá. Các quận, huyện cũng cần khẩn trương thu hồi số tiền trúng đấu giá. Đối với các huyện có tổng số nợ cao, phải rà soát lại các trường hợp chưa nộp đủ số tiền trúng đấu giá quá thời gian quy định, thực hiện ngay việc hủy kết quả trúng đấu giá để tổ chức đấu giá lại.
Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác ĐGQSDĐ, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đánh giá, nguyên nhân để xảy ra công tác ĐGQSDĐ có kết quả thấp do các đơn vị chưa chủ động, chưa quyết liệt trong việc đấu giá và lúng túng khi nhận nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: "Đã thu tiền của dân, mà không giao hạ tầng cho dân, sẽ không tránh khỏi việc dân bức xúc. Nếu các đơn vị bí vốn, phải báo cáo Thành phố có phương án giải quyết, không thể để nợ về hạ tầng. Dân nộp tiền chậm do các dự án chưa hoàn thành về hạ tầng, cũng bởi tiến độ của các dự án chậm, không đúng với cam kết. Các đơn vị cần phải rà soát xem có nợ xấu hay không. Vì thế, các quận, huyện phải tập trung đánh giá lại những công việc đã làm được và chưa làm được. Chúng ta mới xong quy hoạch Thủ đô, vẫn còn quy hoạch phân khu. Thị trường trầm lắng, đất đai "tắc" lại cũng là điều dễ hiểu".
Phó Chủ tịch cho biết, trước đây, có nhiều đơn vị nhận đấu giá đất, nhưng Sở Tư pháp Hà Nội chỉ chọn lựa ra được 22 đơn vị tổ chức bán đấu giá có kinh nghiệm. "Khi Thành phố hỏi đơn vị nào chuyên nghiệp nhất, Sở Tư pháp lại không biết. Dẫu có chuyện thay đổi về mặt cơ chế, chính sách, nhưng các đơn vị cần phải quyết liệt, tập trung đẩy nhanh công tác ĐGQSDĐ" - Phó Chủ tịch chỉ đạo.