Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Sau quý II, kinh tế sẽ bớt khó khăn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lạm phát - mối lo lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay, sẽ dần được kiểm soát và có thể bắt đầu hạ nhiệt từ sau quý II hoặc đầu quý III, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

KTĐT - Lạm phát - mối lo lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay, sẽ dần được kiểm soát và có thể bắt đầu hạ nhiệt từ sau quý II hoặc đầu quý III, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Ông Kiên trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội hôm nay (26/3), khi các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách 2011.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I đã tăng 6,12%, nhiều người lo ngại lạm phát cả năm có thể lên mức hai con số. Xin cho biết quan điểm của ông?

- Mới tháng 3 chúng ta đã đưa ra dự báo lạm phát hai con số cho cả năm thì hơi vội. Nên nhìn nhận bài toán lạm phát cả năm trên mặt bằng của Nghị quyết 11 Chính phủ vừa ban hành. Nếu nghị quyết thực hiện tốt, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần nghị quyết này được triển khai tốt, chúng ta vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6%. Và với mức tăng trưởng trên 6%, theo dự báo của cá nhân tôi và một số chuyên gia khác, lạm phát cũng chỉ cỡ 9-10%, như vậy là chấp nhận được trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay.

- Điều đó có nghĩa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5% và kiểm soát lạm phát 7% mà Quốc hội đề ra sẽ không thành hiện thực?

- Không nên quan niệm mục tiêu là bất di bất dịch. Chúng ta đưa ra các con số dự báo vào đầu năm dựa trên điều kiện kinh tế ổn định. Khi những yếu tố đầu vào của nền kinh tế biến động, đầu ra cũng sẽ phải biến động theo. Vấn đề của người điều hành kinh tế vĩ mô là xem tác động nào là tích cực thì cần phát huy, còn tác động nào tiêu cực tới đời sống và nền kinh tế thì phải giảm thiểu.

Năm nay với xu thế tăng giá cả trong nước và thế giới, CPI sẽ dao động cỡ 9-10% chứ không thể 7-8% như chúng ta xác định đầu năm, bởi do biến động của các yếu tố đầu vào. Không ai nghĩ giá dầu cứ duy trì trên 100 USD một thùng suốt ba tháng như vừa qua cả. Khi lập dự báo cho 2011, người lo lắng nhất cũng chỉ nghĩ giá dầu ở mức 70-80 USD một thùng.

Với GDP cũng vậy. Chúng ta không đặt vấn đề tăng trưởng như thế nào nữa, mà nên giữ trên 5-6% để cân đối được việc làm và nhiều yếu tố khác của nền kinh tế, chứ không phải bằng mọi giá đạt tốc độ tăng trưởng cao và lấy GDP gò ép, làm mục tiêu chỉ đạo toàn bộ quá trình điều hành.

- Theo phân tích của ông, tình hình giá cả sẽ tiếp tục căng thẳng tới bao giờ và đỉnh điểm của lạm phát sẽ rơi vào thời điểm nào?

- 6 tháng đầu năm là thời gian lạm phát tăng cao nhất. Sau khi giá điện, xăng và một số mặt hàng thiết yếu khác vào tháng 3, chúng ta còn đợt tăng lương vào tháng 5. Vì vậy, đà tăng giá cũng như lạm phát kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 5. Và theo độ trễ, đợt tăng giá điện và giá than sẽ tác động vòng hai tới nền kinh tế vào tầm cuối quý II hoặc đầu quý III.

Nhìn chung trong số các mặt hàng hình thành CPI, nhóm mặt hàng xây dựng, dịch vụ khác sẽ giảm trong quý II. Riêng nhóm các mặt hàng tiêu dùng và liên quan trực tiếp tới đời sống hằng ngày sẽ tiếp tục tăng trong quý II.

Khi các yếu tố tăng giá được bộc lộ hết, và các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng, lạm phát sẽ dần được kiểm soát CÓ hai nguyên nhân, là thời tiết không thuận lợi làm sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Thứ hai là trong miền Tây thấy ngay là tháng 3 bắt đầu mưa, mưa sớm ảnh hưởng tới bà con nhân dân, khi tôm thu hoạch sẽ tương đối thiếu. Sau khi Mỹ đưa thuế catfish về 0%, nhưng ta thiếu hàng

- Điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế đang được coi là giải pháp quan trọng để giảm bớt sức ép lạm phát. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Về nguyên tắc, giải pháp kiểm soát lạm phát bằng hạn chế tổng cầu đều được các nhà khoa học và cũng như các nhà điều hành kinh tế tán đồng. Nhưng hiện còn chưa thống nhất quan điểm về việc thực hiện giảm tổng cầu như thế nào.

Một mặt chúng ta đang kiên quyết giảm tổng cầu, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta lại đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, năng suất, tức là tăng cung. Như vậy có mâu thuẫn không? Thực tế, nếu nhìn lại các yếu tố góp phần tăng CPI các tháng đầu năm, nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm tăng rất cao, mà hơn ai hết, các bà nội trợ đi chợ hằng ngày cảm thấy điều này rõ ràng nhất.

Vì thế, khi đặt vấn đề giảm tổng cầu cần cân nhắc giảm trong lĩnh vực nào. Chẳng hạn nếu đang đẩy nhanh cung của nông nghiệp mà lại đồng thời giảm cầu về nông nghiệp thì cá nhân tôi thấy hơi mâu thuẫn.

- Một số chuyên gia thế giới cảnh báo lạm phát hiện nay còn có nguyên nhân cả từ phía cung, chẳng hạn sự gián đoạn nguồn cung về dầu mỏ ở khu vực Trung Đông hay các nước sản xuất lương thực thực phẩm lại hạn chế xuất khẩu. Vì thế, nếu chống lạm phát bằng các giải pháp quá thiên về tiết giảm tổng cầu có thể gây hại cho nền kinh tế. Quan điểm của ông thế nào?

- Chính xác. Kiềm chế lạm phát phải thế hiện hài hòa giữa cung và cầu. Khi giảm tổng cầu nhiều quá sẽ hình thành giảm nguồn cung. Và khi giảm nguồn cung do sự "cưỡng bức" nội tại trong nền kinh tế, thì phải cân nhắc rất kỹ các yếu tố từ bên ngoài. Chẳng hạn đặt bài toán với nhà máy lọc dầu Dung Quất, nếu chúng ta không tính đúng, tính đủ các yếu tố ở Bắc Phi hay Trung Đông, nơi cung ứng dầu quan trọng cho cả thế giới, thì sẽ có vấn đề. Quốc hội đang bàn về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại đầu tư cho Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Cá nhân tôi ủng hộ việc tiếp tục dùng vốn đầu tư để lại cho tập đoàn để đầu tư, tìm kiếm phát triển những khu vực dầu mỏ mới cho đất nước.

- Thắt chặt tiền tệ là một trong những giải pháp tiết giảm tổng cầu. Nhưng ông có nghĩ rằng kiểm soát tín dụng dưới 20% và mặt bằng lãi suất cao như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn?

- Khó có thể tính toán một mức lãi suất chung hợp lý cho mọi loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn ở những ngành rủi ro có thể cho lợi nhuận tới 300% một năm thì lãi suất 20% với họ là bình thường. Nhưng với nông nghiệp, lãi suất chỉ cần ở mức 15% đã là gay rồi. Hoặc nếu so với các nước phát triển, lãi suất của ta quá cao, nhưng nếu so với các nước đang phát triển, như vậy lại hợp lý.

Nhìn chung duy trì lãi suất tiền vay như hiện nay sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay).

Chúng ta hết sức thông cảm cho các nhà quản trị doanh nghiệp, họ chịu nhiều sức ép. Nhưng khi chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ là sức ép tốt để các doanh nghiệp nhìn nhận đúng hơn về vấn đề tái cơ cấu. Chúng ta thông qua thị trường để "cưỡng bức" các nhà doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu để phù hợp với xu thế của nền kinh tế trong những năm tới. Khi anh không thể tiếp cận được những nguồn vốn hợp lý, anh phải cân nhắc lại để phát triển hiệu quả. Khi giá điện lên, anh phải xem máy móc thiết bị sử dụng hiện nay đã hợp lý chưa, đã tiết kiệm điện chưa. Anh cũng phải xem sức sản xuất thế nào, hiệu quả sử dụng nguyên liệu của anh đã cao chưa?

- Nhưng các biện pháp đang triển khai được xem là liều thuốc mạnh tới nền kinh tế và cần có thêm thuốc bổ hỗ trợ cho quá trình uống thuốc hiệu nghiệm hơn mà không quá sốc, chẳng hạn giảm thuế cho doanh nghiệp?

- Chúng ta đã tính toán kỹ khi quyết tâm thực thi các biện pháp ổn định vĩ mô. Và thực tế thuế của mình hiện nay khá hợp lý so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo lộ trình hội nhập AFTA, nhiều ngành chúng ta áp dụng thuế còn dưới mức thu của các nước khác. Chưa kể trong vòng 7 năm đầu, chúng ta thu một nửa.

Vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp lúc này, như tôi nói ở trên, là phải tái cơ cấu chính mình. Doanh nghiệp cần tự hỏi mình đã làm gì, đã điều chỉnh gì để nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư của mình.

- Vậy theo ông toa thuốc đang uống hiện nay cần điều chỉnh liều lượng vào lúc nào?

- Nếu dùng từ y học thì với phác đồ điều trị hiện nay, sau 5 ngày uống kháng sinh cần tái khám và điều chỉnh khi cần thiết. Chúng ta cần điều chỉnh liều lượng của các giải pháp khi nền kinh tế có một số chuyển biến, thể hiện qua các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng tín dụng giữ ở mức hợp lý; tổng phương tiện thanh toán phù hợp, tương đương với tăng trưởng của nền kinh tế; thu ngân sách nhà nước không sụt giảm nhiều; số lượng việc làm giữ mức ổn định. Yếu tố quan trọng khác cần xem xét đó là giá cả thị trường, đời sống thực tế của người dân.

Với tình hình hiện nay, sớm nhất phải sau tháng sáu mới có thể bắt đầu tính chuyện điều chỉnh.

- Vấn đề điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân đang được dư luận đặt ra sau nhiều tháng giá cả tăng cao. Nhiều người cho rằng cần nâng khởi điểm chịu thuế hoặc tăng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Nhưng tại sao Quốc hội chưa bàn tới vấn đề này ngay trong kỳ họp?

- Cần tỉnh táo về vấn đề này. Luật hiện nay là Luật Thuế thu nhập cá nhân chứ không phải thu nhập cao. Mục tiêu quan trọng của thuế thu nhập cá nhân là cứ phát sinh thu nhập phải có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, chứ không phải chỉ những ai thu nhập cao mới đóng thuế. Vì vậy, không thể cứ thấy giá cả tăng một chút là đặt vấn đề điều chỉnh luật. Nếu đặt vấn đề như vậy, liệu tháng 5 tới tăng lương, có tính chuyện tăng thuế hay không?

Vấn đề cần trao đổi hiện nay là mức hoàn thuế cho người dân chúng ta như thế nào, công tác hoàn thuế cho người dân có thuận lợi không. Ở các nước khác, anh có hoạt động một đồng và phát sinh nguồn thu thì anh phải có trách nhiệm nộp thuế. Trách nhiệm của các cơ quan thuế là hoàn thuế đúng, đủ và thuận tiện cho anh.