Các chuyên gia cho rằng, trường đào tạo TS khó tuyển đủ chỉ tiêu và nhiều nghiên cứu sinh (NCS) không được tốt nghiệp vì chưa đạt chuẩn.
Không dễ có chỗ trên báo quốc tế
Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo quy chế đào tạo TS mới với mục đích nâng chất lượng đào tạo sau đại học (ĐH), trong đó nâng chuẩn đầu vào ngoại ngữ trình độ B2, ứng viên phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học và phải có công bố quốc tế để đảm bảo đầu ra. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích: NCS phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm NCS tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đồng tình với điều chỉnh tiêu chuẩn đào tạo TS của Bộ GD&ĐT để nâng chất lượng đội ngũ nhà khoa học, giảng viên. Tuy nhiên, băn khoăn của vị PGS này ở chỗ: Để có công trình đăng trên hệ thống tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, Scoups là cả vấn đề. Bởi như ĐH Bách khoa Hà Nội có hơn 1.200 giảng viên, trong đó khoảng 700 TS. Có những lúc nhà trường phát triển vượt bậc về công bố quốc tế, nhưng nay trung bình mỗi năm có 200 bài đăng trên tạp chí ISI hoặc Scopus. Như vậy, chỉ có 1/3 TS có bài công bố quốc tế, xét trên tổng thể giảng viên chỉ là 1/6. Vì thế, yêu cầu bài báo quốc tế rất khó cho nhiều cơ sở đào tạo, không chỉ riêng ĐH Bách khoa.
“Việc nâng tiêu chuẩn đào tạo TS chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến số lượng NCS tốt nghiệp vì nhiều người không đạt yêu cầu công bố quốc tế. Ngành Toán, Vật lý có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế; còn khối kỹ thuật thì ngược lại bởi có đặc thù” - Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Thủy lợi Nguyễn Tuấn Anh cho hay. Bởi hiện nay, các NCS chủ yếu có bài báo đăng trên tạp chí trong nước. Để có bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế rất khó vì phải có tính phát hiện, ý nghĩa khoa học cao, cộng với câu từ tiếng Anh chặt chẽ, mang tính hàn lâm.
Lộ trình từng bước
Ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT nâng tiêu chuẩn đào tạo TS, song PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc thực hiện cần có lộ trình để các trường, ứng viên NCS có sự chuẩn bị. Và tùy theo đặc thù của mỗi ngành, Bộ GD&ĐT nên có yêu cầu cụ thể và hợp lý. Chẳng hạn, thời gian đầu, Bộ yêu cầu bài báo được sử dụng trong hội thảo quốc tế nói tiếng Anh được tổ chức ở trong và ngoài nước, sau đó tăng lên là các tạp chí SCI, SCIE, ISI ở các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan), dần dần tiến tới đăng ở tạp chí có tên tuổi ở Mỹ và các nước phát triển khác.
Trong khi đó, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn cho rằng, các ngành xã hội rất khó có bài báo được sử dụng trên tạp chí quốc tế bởi không có sự tương đồng giữa các nước. Lĩnh vực kinh tế cũng tương tự, bởi mô hình Việt Nam không giống các nước, trình độ khác nhau. “Đối với lĩnh vực khoa học xã hội, Bộ GD&ĐT nên quy định tăng số sản phẩm được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Ví dụ, khi Bộ quy định NCS phải có 1 – 2 công trình đăng ở tạp chí quốc tế thì có thể tăng lên 6 – 7 công trình được sử dụng ở tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước” – ông Sao đề xuất.
Bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế là hết sức quan trọng, nhưng khó. Tuy nhiên, không vì thế mà đi khác với con đường các nước đang đi. Ông Tớp chia sẻ cách làm của một trường ĐH ở Thái Lan quy định NCS phải có bài đăng ở tạp chí ở nước Mỹ, Nhật Bản và có chỉ số trích dẫn. Nếu người nào thiếu bài báo công bố quốc tế, nhà trường vẫn cho bảo vệ luận án, nhưng trong vòng 2 năm phải hoàn thiện mới được cấp bằng. "Nếu thực hiện theo hướng này, chúng ta vừa nâng được chất lượng đào tạo TS vừa có thể hội nhập quốc tế" - ông Tớp khẳng định.