Hà Nội ghi dấu ấn trong xây dựng xã hội học tập
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, 8 năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên ngày càng phát triển mạnh, hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao trình độ cho mọi tầng lớp nhân dân. Cả nước hiện có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên và ngày càng tăng, thu hút 8,4 triệu học viên tham gia học tập. Đề án đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Cả nước đã hoàn thành 2 trong 4 mục tiêu của Đề án. Thứ nhất, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 97,85%, trong đó số người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 chiếm 99,3%, cao hơn 0,3% so với mục tiêu của Đề án; có 34/63 tỉnh, thành phố đã đạt mục tiêu này. Thứ hai, số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt 64,6%, cao hơn 14,6% so với mục tiêu; cả nước có 51/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu này.
TP Hà Nội đã ghi dấu ấn với việc hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể là: Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…
Kết quả nổi bật của Hà Nội trong thời gian qua là những nỗ lực trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2020, số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất đạt 87% (cả nước đạt 69,78%); số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương đạt 98% (cả nước đạt 66,97%)…
Hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế; trong đó, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...
Thứ trưởng Bộ GD&&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục suốt đời |
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, giai đoạn 2021-2030, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông; bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục suốt đời, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm và đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục mở, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh mô hình gắn kết giữa mạng lưới giáo dục thường xuyên với các trường đại học và doanh nghiệp; tập trung xây dựng mô hình công dân học tập…
Phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, một công việc rất lớn, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; trong đó Bộ GD&ĐT có vai trò nòng cốt.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” sau 8 năm triển khai đã đạt được kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Những kết quả đó cho thấy chủ trương lớn, được ban hành kịp thời, của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã đi vào thực tiễn. Trong thời gian tới, công việc này cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động để có thể triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ''Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia'' |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia” và cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập, và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập; trong đó tập hợp những cá nhân, thành viên hiếu học.
Nhìn ở tầm vĩ mô, theo Bộ trưởng, công việc của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành khác, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất chỉ làm 2 công việc quan trọng nhất; đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó. “Hai việc này được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập rất năng động; đáp ứng nhu cầu học mọi lúc, mọi nơi, học qua mọi phương tiện, học mọi nội dung… chính là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT với sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của các bộ, ban, ngành, đoàn thể…”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Nói về những công việc trong tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng đề cập đầu tiên đến việc cần xác định thật rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập thông qua hệ thống truyền thông, hoạt động xã hội, đoàn thể. Trong các khâu cần đẩy mạnh vai trò của cá nhân trong phát triển xã hội học tập. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân; từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt; các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.
Bộ GD&ĐT rà soát các mô hình để đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng để củng cố từng thành tố tham gia phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, cần chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: Xoá mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên.... Những việc này sẽ được Bộ GD&ĐT đưa vào trong Đề án xây dựng xã hội học tập ở giai đoạn tiếp theo.