Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiến trình Brexit vượt qua "cửa ải" đầu tiên

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ viện Anh đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Hạ viện Anh ngày 8/2 đã thông qua dự luật trao quyền cho Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình đàm phán để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Kết quả này đã chấm dứt nhiều ngày tranh luận gay gắt vốn thử thách thế đa số mong manh của bà May trong Quốc hội, đồng thời là bước quan trọng để Anh khởi động đàm phán Brexit, được dự báo là “đầy khó khăn và phức tạp” với các vấn đề về thương mại, nhập cư và an ninh. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis khẳng định đây là “cuộc bỏ phiếu lịch sử” và cũng là thời điểm để tất cả người dân Anh dù ủng hộ hay không ủng hộ Brexit đoàn kết lại để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng đối với đất nước.

 Thủ tướng Anh Theresa May

Đây là cánh cửa đầu tiên để bà May “danh chính ngôn thuận” bắt đầu chuỗi đàm phán Brexit. Dự luật này còn cần Thượng viện Anh thông qua trước khi có hiệu lực. Thượng viện Anh sẽ có 2 ngày xem xét dự luật này từ ngày 20/2 tới. Trong trường hợp Thượng viện bổ sung hay có thêm sửa đổi, dự luật này sẽ lại được đưa trở lại Hạ viện xem xét cho đến khi được cả 2 viện thống nhất và thông qua. Dự luật này phác thảo chiến lược đàm phán về tiến trình Brexit do chính phủ của Thủ tướng Theresa May đề xuất. Theo đó bao gồm những đề xuất cụ thể về pháp luật trong tương lai và định hình cơ sở cho các cuộc tham vấn và thảo luận. Cho tới nay, đây được coi là một trong những dự luật minh bạch nhất để bảo đảm hiệu lực quyết định của người dân, cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh. Chính phủ của bà May muốn Quốc hội hoàn tất tiến trình pháp lý này vào thời hạn 07/03 tới để Anh đáp ứng thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động đàm phán Brexit.

Tránh cuộc “nổi loạn” 

Nữ Thủ tướng Anh đã triển khai chiến lược “mềm nắn rắn buông" nhằm tránh một cuộc “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ cầm quyền của mình đối với dự luật trên. Bà May đã có bước nhượng bộ quan trọng khi đồng ý trao quyền Quốc hội thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit, trước khi Anh và EU hoàn tất văn bản này. Đồng thời bà Theresa May cũng muốn xoa dịu lo ngại của những người “có thành kiến với EU” khi họ cho rằng phe phản đối Brexit đang tận dụng cơ hội để làm chậm lại tiến trình Brexit. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo ngay cả trong trường hợp các nghị sĩ Quốc hội không thông qua các điều khoản của dự thảo thỏa thuận cuối cùng về Brexit, nước Anh vẫn sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. 

Trong khi đó, Cơ quan lập pháp xứ Scotland thuộc Vương quốc Anh, với tỷ lệ áp đảo 90 phiếu thuận và 30 phiếu chống đã thông qua lời kêu gọi ngừng tiến trình thông qua dự luật trao quyền cho Chính phủ Anh khởi động Brexit. Song lời kêu gọi này chỉ mang tính biểu tượng và Thủ tướng May đã khẳng định không có chuyện sẽ có một Scotland độc lập trong EU. Giới quan sát tiên liệu, dự luật cũng sẽ dễ dàng vượt qua tại Thượng Viện mặc dù phe Bảo thủ cầm quyền không chiếm đa số, tạo điều kiện để bà May kích hoạt bước đi đầu tiên để đàm phán với EU về Brexit theo đúng lộ trình vào cuối tháng 3.