Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Biến nguy thành cơ

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinthedothi - Đại dịch Covid-19 là “phép thử” để các doanh nghiệp du lịch và vận tải chú tâm tìm cách thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Hơn lúc nào hết, trong lúc này du lịch cần bắt chặt tay với vận tải để tạo ra nhiều sản phẩm mới nhằm thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng. 
Có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm. Tại Hà Nội, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50 - 90%.

Trong khi đó, theo ông Đặng Sỹ Mạnh- Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN: “9 tháng năm 2020, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt hơn 3.600.000 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng vận tải hành khách ước thực hiện được hơn 3.000.000 lượt khách lên tàu, chỉ bằng 45,7% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường sắt 9 tháng đầu năm giảm 34,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.179 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ doanh thu ước đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh trước thuế ước lỗ hơn 428 tỷ đồng”.

Theo ông Mạnh nếu thực hiện Nghị định 65 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe, đường sắt sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Như vậy, từ nay đến năm 2025 ngành đường sắt sẽ phải huy động hơn 6.800 tỷ đồng để đầu tư đóng mới, bù đắp số phương tiện “về hưu” mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay. Điều không tưởng!

Ông Du Lịch cho biết: “Vừa rồi, đường sắt phối hợp Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và các đơn vị lữ hành xây dựng và chào bán sản phẩm du lịch Hà Nội - Quảng Bình 3 ngày 4 đêm bằng tàu hỏa theo hình thức thuê nguyên chuyến (còn gọi là chuyến tàu charter) với giá ưu đãi, dự kiến sẽ mang lại cho Quảng Bình gần 20.000 khách du lịch từ nay đến cuối năm 2020. Nếu toa xe khách không đủ tiêu chuẩn chạy được đường dài, tốc độ cao 80 - 100 km/h thì sau khi kiểm tra, cho phép sử dụng chạy đường ngắn tốc độ chỉ 40 - 50km/h như thế thì tốt quá”.

Ông Đăng Kiểm thì cho biết: “Ngay đường sắt các nước có quy định niên hạn cho đầu máy, toa xe thì người ta cũng cho phép tận dụng đầu máy, toa xe cũ để dồn dịch, chạy đường tàu ngắn. Thậm chí có thể sử dụng lại các bộ phận cấu thành đầu máy, toa xe còn niên hạn sử dụng chứ không đâu xẻ bán sắt vụn cả khối như chúng ta, quá lãng phí”.

Ông Du Lịch chia sẻ: “Chúng tôi được biết, nếu áp ngay Nghị định 65 thì sẽ có 124 toa xe khách, 500 toa xe hàng phải ngừng sử dụng vào dịp cuối năm nay. Mô hình tận dụng các toa xe khách cũ nhưng vẫn đảm bảo an toàn để hình thành các đoàn du lịch tuyến ngắn cần được nhân rộng được coi là vị cứu tinh cho cả 2 ngành, giá tour hợp với túi tiền người dân”.

Ông Đăng Kiểm khẳng định: “Với quy trình khám toa xe nghiêm ngặt trước mỗi hành trình chạy tàu, cùng với việc tốc độ chạy tàu các tuyến đường ngắn thấp, đây là một dự án hay. Vấn đề là chúng ta cần có 1 hành lang pháp lý để cú bắt tay “hậu Covid-19” thực hiện như một giải pháp win-win”.