[Tiếng dân] Cẩn trọng không thừa

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “May mắn quá”, đó là câu nhiều người thốt lên khi nghe thông tin về một học sinh tiểu học do ngủ mà bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường. Sau khi khi tỉnh dậy, dù thấy một mình trên xe em hơi lo lắng, nhưng đã bình tĩnh nhớ lại bài hướng dẫn mở cửa xe từ bên trong và tự mở cửa thoát ra ngoài an toàn.

Quả là “hú hồn”, bởi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, kể cả xe theo hợp đồng của nhà trường và xe do chính các gia đình tự thuê. Thậm chí, từ những sự cố này, câu chuyện đau lòng đã từng xảy ra trong năm 2019, khi có cháu bé bị bỏ quên 9 giờ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong.
Sau đó, dư luận xôn xao, các ngành chức năng vào cuộc để chấn chỉnh lại việc đưa đón học sinh, nhưng thật đáng tiếc là sau đó vẫn liên tiếp xảy ra những vụ việc tương tự và đa phần đều rơi vào học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Trở lại vụ việc mới đây, ngay lập tức sau đó, ban lãnh đạo nhà trường đã rà soát lại quy trình và liên hệ với gia đình học sinh, kiểm tra tình hình sức khỏe và tâm lý học sinh, trực tiếp xin lỗi phụ huynh. Đồng thời ra quyết định kỷ luật nhân viên liên quan đến sự việc, thay cán bộ phụ trách xe… Có thể nói, đây là những hành động rất kịp thời của nhà trường.
Về phía ngành chức năng, Sở GTVT Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Sở GĐ&ĐT Hà Nội, Thanh tra GTVT Hà Nội và các DN vận tải ô tô theo hợp đồng về việc quản lý hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội. Những quy định cụ thể được đưa ra để siết lại hoạt động này.
Hy vọng, sau những động thái rất tích cực ấy, việc đưa đón học sinh bằng xe chung sẽ không còn những vấn đề nổi cộm khiến dư luận lo lắng nữa. Nhưng cùng với đó, thiết nghĩ quy trình đưa đón học sinh cũng cần chặt chẽ. Nhiều trường đã đề ra một quy trình rất kỹ như lúc đón phải có ký nhận giữa gia đình và cô giáo, khi đến trường cũng được ký nhận giữa giáo viên đưa đón trên xe và giáo viên chủ nhiệm.
Hơn thế, giáo viên đón trẻ phải điểm danh từng học sinh theo danh sách khi xuống xe, rồi mới bàn giao cho cô giáo chủ nhiệm. Có thể là máy móc, có thể mất thời gian, nhưng nếu tuân thủ, khi đó sẽ phát hiện ngay việc thiếu học sinh.
Cẩn trọng hơn, nhiều nơi còn lắp đặt thêm hệ thống báo động ở cuối xe để nếu chẳng may có trường hợp quên, khi xe đóng cửa, hệ thống phát hiện còn người trong xe sẽ tự động báo động. Bên cạnh đó, việc nhà trường tổ chức rèn kỹ năng, giới thiệu cho các trẻ em nhận biết các điểm bấm còi báo động trên xe, hướng dẫn mở cửa từ trong, bấm còi khi ở trên xe một mình… cũng nên được chú trọng hơn.
Nhưng trên hết, dù với một quy trình, quy chuẩn đưa đón nào chăng nữa, cũng rất cần sự có trách nhiệm, cẩn trọng thực sự của người trong cuộc, bởi sự cẩn trọng không bao giờ thừa, đặc biệt với trẻ nhỏ. Nếu cô giáo phụ trách và tài xế thường xuyên để mắt đến trẻ, nhắc nhở, đánh thức các em nếu thấy ngủ, kiểm tra xe và thực hiện đúng quy trình, chắc chắn, những sự việc đáng tiếc sẽ khó có thể xảy ra.