Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” nhưng đã nhiều năm nay, mặc dù đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng do bị ràng buộc bởi nhiều quy định nên cô, trò, nhất là cấp tiểu học và cả cha mẹ luôn lâm vào cảnh mất ăn, mất ngủ.

Đi học muộn thì lo Sao Đỏ ghi tên, viết chậm thì cô giáo nhắn tin cho phụ huynh, đúng là có con đi học là bao lo. Nhiều mẹ quả quyết, không phải con trẻ đâu mà ngay cả bố mẹ, muốn làm đúng Điều lệ trường tiểu học theo Thông tư 41/TT-BGDĐT cũng toát mồ hôi. Nay, nhiều phụ huynh như được trút bỏ lo lắng khi đọc Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.
Bà Hội trưởng phụ huynh trường K. hồ hởi: " Đây các bác ơi, điểm mới về hai hình thức kỷ luật học sinh là: Nhắc nhở, trực tiếp hỗ trợ giúp đỡ học sinh tiến bộ và thông báo, phối hợp với cha mẹ học sinh để giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Điều này khác với trước đây là mỗi khi con mắc lỗi, cô giáo sẽ làm một việc là thông báo với gia đình. Ngoài ra, các con còn có thể bị nhắc nhở, phê bình". " Hay quá, khác hẳn trước kia nhà trường chỉ làm mỗi nhiệm vụ thông báo khuyết điểm, các bậc cha mẹ, ông bà lo mà tìm cách dạy con cháu" - một phụ huynh trẻ tuổi tiếp lời.
Một giáo viên tiểu học bổ sung: “Quy định mới nêu rõ, giáo viên chúng em không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. Nói thật các bác, giải thoát cho cả hai, giáo viên chúng em cũng không phải làm điều mình không muốn, còn các con tiểu học, bé quá, phê bình trước đám đông, tội các con lắm”. Thực ra việc phê bình trước đám đông có thể khiến các con mắc lỗi tự ti, không hòa đồng, các bạn xung quanh nảy sinh tư tưởng phân biệt, kỳ thị”.
Đến lúc này, một phụ huynh công tác ở Sở GD&ĐT mới chia sẻ: “Một điểm mới nữa là việc trao quyền cho đội ngũ giáo viên được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh song song với quy định giáo viên phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi giáo viên”. Đó cũng là thử thách, điều lệ mới giữ nguyên quy định về quy mô lớp ở cấp tiểu học (không quá 35 học sinh/lớp) nhưng quận nội thành, đây là điều không thể, nên giáo viên sẽ khá vất vả khi áp dụng thông tư mới.
Nhưng rõ ràng các quy định tại Điều lệ trường tiểu học mới ban hành mang tính nhân văn và tính giáo dục cao. Bà hội trưởng phụ huynh khẳng định.“Vâng, bác nhận xét hoàn toàn chính xác. Nó thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được thực hiện trong năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1 trên cả nước và cả những năm tiếp theo ở các khối lớp khác. Có điều muốn con mình “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì nhà trường mong các bác phụ huynh quan tâm, ủng hộ”- vị phụ huynh công tác ở Sở GD&ĐT chậm rãi nói.
Nghe đến đây, khuôn mặt của tất cả các phụ huynh đều rạng rỡ, phải thế chứ, với bậc tiểu học, đến trường là phải vui mới được cho là thành công.