Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Để trẻ đến tuổi đều được đến trường

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/9/1945, ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người viết “Thư gửi cho học sinh” nhân Ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bức thư, Bác Hồ căn dặn học sinh cả nước với tình cảm của "một người anh lớn", một cách xưng hô rất khiêm tốn và chân tình: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn".
Ngay trong những ngày khó khăn của cả đất nước sau khi giành được độc lập, Người đã chỉ đạo các địa phương bằng mọi cách để bất kỳ đứa trẻ Việt Nam nào đến tuổi đi học đều được đến trường. 76 năm sau, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên và hàng triệu thầy cô giáo trong cả nước bước vào năm học mới trong hoàn cảnh đặc biệt, cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19. Nhưng một lần nữa, các bậc phụ huynh đều rất mong Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp triển khai năm học mới với tinh thần cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất cả các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên. Sử dụng phù hợp nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất mọi nguồn lực để bất kỳ trẻ em nào trên đất nước ta đến tuổi đi học đều được đến trường, được bảo đảm quyền lợi cao nhất, tất cả vì tương lai con em chúng ta.
Đây là năm học đặc biệt, gia đình và nhà trường vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Muốn thế, các địa phương, các cơ sở giáo dục phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, phối hợp với phụ huynh tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên.
Để các em có thể đến trường, người dân mong muốn các địa phương, nhà trường sẽ thống kê, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, nếu cơm không đủ ăn thì trẻ em không thể cắp sách đến trường. Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, bên cạnh các chính sách xã hội cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không em nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường.
Chưa kể ở gia đình gặp khó khăn do bố mẹ mất việc, không có thu nhập lâu dài, chất lượng bữa ăn bị ảnh hưởng liệu có tác động đến dinh dưỡng và sự phát triển bình thường của các em, nhất là những học sinh mầm non, tiểu học.
Chính phủ đang có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên. Như vậy, các địa phương, các trường học phải sớm có kế hoạch tiêm chủng đảm bảo an toàn, công bằng để tất cả các học sinh lứa tuổi từ 12 trở lên có thể sớm trở lại trường học bình thường. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: "Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để các cháu được tiêm vacicne. Cần tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vaccine cho giáo viên". Đồng thời với việc tiêm vaccine, các tỉnh, thành cần bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.
Do giãn cách, cách ly lâu nay, các em học sinh đang phải chịu những thiệt thòi trong những ngày qua, khi phải cùng cha, anh tập trung chống dịch. Bước vào năm học mới, hơn lúc nào hết các bậc phụ huynh mong muốn các cấp chính quyền thấu hiểu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".