Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Ngẫm về con số 170 và 11.000

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3/2020, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đã triển khai thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tại 5 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.

Công khai dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được coi là việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của lực lượng CSGT toàn quốc.
Theo đó, sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt của CSGT, người dân truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhập số biên bản vi phạm hành chính. Không cần đến Kho bạc, người vi phạm thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện. Một quy trình mới xem ra rất thuận lợi cho cả CSGT lẫn người dân, nhất là với các tình huống vi phạm giao thông xa nơi cư trú.
Về lý thuyết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho người tham gia giao thông bớt đi lại, không tốn nhiều thời gian. Nên sau 3 tháng thử nghiệm từ ngày 1/7, việc nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông đường bộ đã được mở rộng ra 63 tỉnh, thành toàn quốc. Khi đấy, tất cả thông tin liên quan đến vi phạm của người điều khiển, đặc biệt là các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, tốc độ chạy xe… đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người.
Ở đầu và cuối các tuyến cao tốc, nơi có đặt trạm thu phí, CSGT sẽ thực hiện việc dừng xe, thông báo lỗi vi phạm, trích xuất dữ liệu, lập biên bản (điện tử) với các trường hợp vi phạm… Nhưng trong 500 trường hợp vi phạm giao thông do Đội 1 - CSGT Hà Nội thực hiện được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) chỉ có 1 trường hợp nộp phạt qua mạng, lái xe này mới 40 tuổi, bị lỗi vượt đèn đỏ.
Tính rộng ra trên toàn quốc sau 15 ngày thực hiện cũng chỉ có 170 quyết định xử phạt được thực hiện trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia trong 11.000 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ chỉ đạt 0,015%, một con số quá khiêm tốn so với sự kỳ vọng của dự án.
Hỏi chuyện ông Tuấn Anh, một lái xe chuyên nghiệp lý do vì sao vẫn giữ cách nộp phạt “truyền thống”, ông mới cho hay: “Phần thì tôi đã ngoài 50 tuổi, bấm điện thoại cũng ngại hơn việc phóng xe cái vèo ra Kho bạc, cầm biên lai về Đội CSGT. Phần nộp tiền phạt online có mục kê khai số điện thoại cá nhân, phiền toái quá chú ơi, lỡ rồi vô tình để vợ con bạn bè biết chuyện chả hay ho gì của mình”.
Việc nộp phạt trực tuyến cũng gặp những khó khăn như ngân hàng thời gian đầu khi triển khai các dịch vụ online. Người dân cần phải có thời gian để bỏ đi những thói quen truyền thống, tiếp cận dần với công nghệ hiện đại. Nhưng rõ ràng là CSGT toàn quốc cần có thêm nhiều cách tuyên truyền về hình thức nộp phạt mới mẻ này. Cần hướng dẫn dễ hiểu các công đoạn để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến như: Cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; cách đăng nhập tài khoản; cách nộp tiền phạt online... bằng trực quan sinh động.