Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tiếng trống học bài” ở Ba Vì

Bài, ảnh: Như Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm gần đây, “Tiếng trống học bài” đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết mỗi tối của các em học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì, giúp các em xây dựng ý thức tự giác trong học tập.

Tiếng trống thay đổi nhận thức
Phong trào “Tiếng trống học bài” ở xã Đồng Thái, Ba Vì ra đời nhân hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” được duy trì đến nay đã bước sang năm thứ sáu. Một trong những người khởi xướng phong trào, thầy Nguyễn Văn Nghiệp - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Đồng Thái chia sẻ: Vào buổi tối thấy học sinh ở Đồng Thái không tập trung vào học tập, nhiều em đi chơi lêu lổng ngoài đường dẫn đến có khi gây gổ mất trật tự an ninh thôn xóm, thầy đã tham mưu với chính quyền địa phương gây dựng phong trào “Tiếng trống học bài”. Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, xã Đồng Thái đã in và cấp phát 2.500 cuốn tài liệu về “Xây dựng xã hội học tập” thông qua mô hình “Tiếng trống học bài” để cấp đến từng hộ gia đình trên toàn xã.

       Bà Nguyễn Thị Lẹn.                      Học sinh hưởng ứng phong trào “Tiếng trống                                                                              học bài” ban đêm ở xã Đồng Thái, Ba Vì.

Phong trào ra đời với mong muốn hình thành ý thức tự giác của mỗi học sinh trong việc học tập. Đặc biệt, tạo cho các em thói quen tự học ở nhà vào các buổi tối. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào đã dần thu hút được sự quan tâm của học sinh và các bậc phụ huynh. Người dân xã Đồng Thái đã dần thay đổi cách nghĩ về việc học của con em mình, mọi sinh hoạt trong gia đình cũng thay đổi cho phù hợp với giờ học của các em. Thế là cứ đến 7 giờ tối mùa hè, 7 giờ 30 tối mùa đông, tiếng trống học bài trên loa phát thanh của xã lại vang lên cùng với lời nhắc nhở: “Các em học sinh yêu quý, “Tiếng trống học bài” - người bạn đồng hành của các em vào mỗi buổi tối chuẩn bị vang lên. Các em hãy khẩn trương thu xếp công việc, gác lại những bộn bề thường ngày để ngồi ngay vào bàn học của mình...”. Không ai bảo ai, sau khi nghe tiếng nhạc hiệu trên loa, người lớn vặn nhỏ tiếng tivi, trẻ nhỏ tự giác ngồi vào bàn học. Em Chu Khánh Ly, lớp 5E trường Tiểu học Đồng Thái là một học sinh ngoan ngoãn và hiếu học. Suốt 5 năm học, Khánh Ly đều đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc toàn diện của trường. Theo Khánh Ly, bí quyết đạt được thành tích cao trong học tập là ý thức tự học: “Em là chị lớn trong gia đình 4 anh chị em, mỗi tối khi nghe thấy “Tiếng trống học bài” phát trên loa truyền thanh, em cùng các em trong nhà tự giác ngồi vào bàn học không để bố mẹ nhắc nhở”. Với em Nguyễn Cảnh Toàn - học sinh lớp 9A trường THCS Đồng Thái, “Tiếng trống học bài” như người bạn đồng hành cùng em nhiều năm qua: “Tiếng trống không chỉ nhắc nhở xây dựng ý thức tự giác học tập, mà còn giúp chúng em tránh xa các tệ nạn xã hội”. “Tiếng trống học bài” hàng đêm được các phụ huynh rất ủng hộ. Chị Đỗ Thị Loan, xóm Đoài, Đồng Bảng, Đồng Thái cho biết, nhờ có tiếng trống mà chị không phải nhắc 3 con nhỏ học bài như trước: “Cứ nghe thấy tiếng trống là cả nhà vặn nhỏ tivi, đài để các cháu tập trung học bài. Tiếng trống học bài đã giúp các con tôi tự giác, nghiêm túc trong việc học. Bản thân tôi cũng nhận thấy phải quan tâm hơn nữa đến việc học của các con”.
Lan rộng một phong trào
Phong trào “Tiếng trống học bài” đã giúp xây dựng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì tính tự giác, tự quản trong học tập, góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện theo yêu cầu hiện nay.
Không chỉ ở Đồng Thái, đã 4 năm nay, tiếng trống học bài trong đêm ở xã miền núi Vân Hòa cũng tạo thành một phong trào nổi bật của Hội Cựu giáo chức huyện Ba Vì. Để gây dựng phong trào này, người có công lớn là bà Nguyễn Thị Lẹn - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Vân Hòa. Bà Lẹn kể, ở Vân Hòa có nhiều cháu học sinh có học lực kém. Nguyên nhân là do buổi tối ở nhà các cháu không có thói quen ôn bài cũ, chuẩn bị học bài mới. Thời gian học bài ban đêm nhưng thường thấy các cháu đi chơi ngoài đường. Trước thực trạng đó, bà Lẹn đã bàn với các hội viên Hội Cựu giáo chức chung tay xây dựng một thói quen học tập để giúp các cháu học hành hiệu quả hơn. Ban đầu, cũng có hội viên phản đối, không ủng hộ bởi cho rằng đã nghỉ hưu, tuổi cao cần được nghỉ ngơi, tội gì phải làm cái việc “vác tù và hàng tổng” cho mệt người(!). Nhưng bà Lẹn cho rằng, mình tuy nghỉ hưu nhưng còn sức lực, còn cống hiến, không thể bàng quan trước việc con cháu ở quê bỏ bê học bài, ban đêm lêu lổng, sinh hư, gây mất an ninh trật tự. Trước lý lẽ và tình cảm ấy của bà Lẹn, dần dần nhiều hội viên hiểu ra đã đồng tình chung tay thực hiện. Khi đã có sự đồng thuận của hội viên, bà Lẹn gửi văn bản đề nghị chính quyền hỗ trợ triển khai đến các thôn. Thế là bắt đầu từ năm 2013, tiếng trống học bài ban đêm đã được thực hiện trên địa bàn xã Vân Hòa. Những ngày đầu, để các gia đình làm quen với một nếp sinh hoạt mới, bà Lẹn và những cựu giáo chức ở Vân Hòa trực tiếp đến từng nhà vận động các gia đình đưa con vào nền nếp học bài. Dần dà, thấy tác dụng của tiếng trống học bài ban đêm giúp con em học hành tiến bộ rõ rệt, các gia đình đã tự giác nhắc nhở con em ngồi học bài.
Bà Lẹn cho biết, nhiều cháu ngày trước không biết đọc, biết viết giờ không chỉ biết đọc, biết viết mà còn làm toán, học hành tiến bộ nên các gia đình rất phấn khởi. Gia đình anh Đỗ Văn Miền có con là Đỗ Anh Tuấn, từ một học sinh yếu kém nhờ thực hiện theo tiếng trống học bài nay đã tiến bộ có lực học trung bình. Các cháu Lê Tuấn Anh, Nguyễn Trung Dũng, Lê Xuân Quang… trước đây sức học bình thường, nay nhờ có tiếng trống học bài đã có năm đạt học sinh giỏi. Địa phương hiện không còn tình trạng các cháu học sinh chơi bời, lêu lổng vào ban đêm, việc học hành có nhiều tiến bộ, đi vào nền nếp.
Đánh giá về phong trào này, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Hà cho rằng, nhờ có phong trào “Tiếng trống học bài” ban đêm mà lực học của con em trong xã tiến bộ rõ rệt.
Chất lượng thay đổi
Giờ đây, “Tiếng trống học bài” đã trở thành nét văn hóa quen thuộc vào mỗi buổi tối, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân các xã trên địa bàn huyện Ba Vì. Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, UBND các xã giao cho Ban Khuyến học xã phối hợp cùng Ban Giám hiệu các nhà trường, tiến hành kiểm tra đột xuất ý thức học tập của học sinh ở các thôn, xóm. Ban Giám sát sẽ đôn đốc, nhắc nhở nếu các em còn đang chơi hoặc xem tivi chưa ngồi vào bàn học. Cứ thế, phong trào học tập của Ba Vì ngày một phát triển sôi nổi, kết quả học tập nâng lên rõ rệt. “Tiếng trống học bài” đã có những tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học mỗi năm đều tăng. Nếu như năm 2010, xã Đồng Thái chỉ có 15 học sinh đỗ vào các trường đại học thì năm 2016 có 28 học sinh”, ông Nguyễn Văn Hạ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đồng Thái cho biết.
Cũng là một người theo sát phong trào “Tiếng trống học bài” của Đồng Thái nhiều năm nay, ông Phùng Kim Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái đánh giá phong trào thực sự đã trở thành nét đẹp văn hóa, là âm thanh thúc đẩy học tập hiệu quả. “Tiếng trống học bài” không chỉ xây dựng ý thức tự học cho học sinh mà mỗi người dân đều có ý thức tự giác rèn luyện mình. Phong trào đã được nhân rộng đến nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì như Phú Châu, Phú Sơn, Thái Hòa, Yên Bài...” - ông Thuận cho biết.