Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài “Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa xử lý ra môi trường”: Đừng đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị ngày 8/4 có bài: “Tại khu công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức: Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa xử lý ra môi trường” phản ánh việc mương T2 – 7 bị một số DN sản xuất sơn “bức tử”.

Sau khi Báo phản ánh, Phòng TN&MT huyện Hoài Đức đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của các DN trên, tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là sự đối phó của các đơn vị.
Khắc phục kiểu đối phó
Cụ thể, liên quan đến việc một số DN sản xuất sơn xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, ngày 12/10/2018, UBND huyện Hoài Đức đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Sơn Infor Việt Nam, Công ty CP Sơn Jymec Việt Nam và Công ty CP Sơn Facomax Việt Nam.
Công ty Jymec - đơn vị chưa tiến hành khắc phục, nộp phạt của UBND huyện Hoài Đức.
Trong đó, Công ty CP Sơn Jymec và Công ty Sơn Facomax bị xử phạt vì không có kế hoạch bảo vệ môi trường được Sở TN&MT xác nhận theo quy định. Đồng thời xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gấp nhiều lần cho phép… với mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Công ty Sơn Infor bị phạt 30 triệu đồng vì không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng.
Cũng tại các quyết định này, ngoài việc yêu cầu nộp phạt vi phạm hành chính, UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu các DN phải thực hiện các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, ngày 12/4, cùng Đoàn công tác của Phòng TN&MT huyện Hoài Đức kiểm tra việc chấp hành các quyết định trên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nội dung của quyết định vẫn nằm trên giấy.
Đơn cử, tại Công ty Sơn Jymec, đơn vị này bị xử phạt hơn 210 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục. Thế nhưng, đơn vị này chỉ xây vài cái bể lắng… để đối phó với đoàn kiểm tra. Trong khi đó, một số nội dung như đình chỉ hoạt động, nộp phạt theo quy định, sau gần nửa năm, DN này vẫn cố tình làm ngơ.
Cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết, huyện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến năm 2020 trở thành quận. Một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm là công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các làng nghề, cụm, điểm công nghiệp, trong đó có điểm công nghiệp Di Trạch. Tuy nhiên, do điểm công nghiệp này trùng với trục Hồ Tây – Ba Vì, các DN sử dụng đất tại đây chỉ được TP cho thuê năm một nên việc xây dựng hệ thống xả thải tập trung còn hạn chế, chưa đồng bộ.
Cũng theo ông Lý, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với kiểm tra, xử lý, huyện đã kiến nghị với TP đẩy nhanh tiến độ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Vân Canh. Khi dự án được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý nước thải sinh hoạt của các hộ dân và các điểm công nghiệp xung quanh, trong đó có điểm công nghiệp Di Trạch.
Bên cạnh đó, ông Lý nhấn mạnh, trong quá trình chờ dự án xây dựng, đối với những công ty không chấp hành các quy định, đặc biệt là việc đình chỉ hoạt động, Phòng TN&MT sẽ tham mưu UBND huyện tiến hành cưỡng chế việc nộp phạt, đề nghị điện lực ngừng cung cấp điện theo quy định.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những DN phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường vẫn có không ít những trường hợp chỉ lo phát triển kinh tế mà quên đi trách nhiệm với môi trường, với cuộc sống của người dân xung quanh. Do đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của phát luật, đề nghị các đơn vị chức năng, đặc biệt là UBND huyện Hoài Đức khẩn trương vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.