|
Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) |
Xung quanh vấn đề này, vẫn đang tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều, người thì ủng hộ, người lại cho rằng đây là mức phạt quá nặng.
Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP).
Theo Bộ luật Hình sự 2015 đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, người đi bộ sai luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Ông có ý kiến gì về quy định này?- Tất cả các trường hợp vi phạm luật giao thông đều nên chịu mức xử phạt nặng, điển hình như là vượt quá tốc độ, uống rượu khi đang lái xe hay không đội MBH… Quy định của luật có vẻ nghiêm khắc, nhưng đã được cân nhắc kỹ lưỡng sau khi có một số tai nạn nghiêm trọng gây thiệt mạng cho người lái xe do người đi bộ gây ra.
Mặc dù thông thường CSGT sẽ nhắc nhở, cảnh cáo người đi bộ khi tự ý sang đường tại các khu vực không có vạch kẻ ngang, khi có vi phạm, việc xử phạt tài chính có lẽ sẽ hiệu quả hơn hình thức phạt tù từ 7 - 15 năm. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với người đi bộ có thể tùy tiện đi lại mà không để ý đến khả năng gây ra tai nạn cho những người và phương tiện tham gia giao thông khác.
Ở các TP lớn, người ta cho xây dựng cầu vượt hay hầm đi bộ và có hàng rào bảo vệ, không cho người đi bộ sang đường khi không có làn đường riêng, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người không chấp hành nghiêm chỉnh quy định này với lý do là để “tiết kiệm thời gian”. Đây là một hình thức cố ý vi phạm luật giao thông và cần phải xử phạt thật nghiêm. Ngay cả ở Mỹ, việc tuân thủ pháp luật rất chặt chẽ, nếu vi phạm luật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải ra tòa. Do đó, việc giáo dục kiến thức cho cả người đi bộ và người lái xe là rất cần thiết để họ hiểu được trách nhiệm, bổn phận của mình khi tham gia giao thông.
Vậy ở các nước, người đi bộ vi phạm luật giao thông bị xử lý ra sao?- Ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Mỹ, người đi bộ luôn được ưu tiên bảo vệ khỏi nguy cơ tai nạn từ các phương tiện giao thông khác. Mức phạt duy nhất cho họ (thường là phạt tiền nhẹ) áp dụng khi họ sang đường ẩu, không theo đúng làn đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên điều này cũng không phổ biến. Thông thường các lái xe trên đường sẽ tránh đường hoặc dừng lại cho người đi bộ qua đường.
|
Cầu vượt bỏ không, người đi bộ tràn xuống lòng đường phố Chùa Bộc. Ảnh: Công Hùng |
Luật xử phạt rất nặng các trường hợp lái xe gây tai nạn cho người đi bộ (có thể bị kết tội giết người nếu nạn nhân tử vong) và nếu tài xế không dừng lại nhường đường cho người sang đường cũng sẽ chịu một khoản phạt lớn. Bởi vậy, chúng ta cần cung cấp kiến thức tốt hơn cho người lái xe và người đi bộ về những mối nguy hiểm có thể xảy ra trên đường.
Người lái xe cần nhường đường cho người đi bộ sang đường tại các khu vực có vạch kẻ ngang theo quy định và sẽ chịu mức phạt nghiêm khắc nếu vi phạm. Chỉ khi đó xã hội mới phát triển được một nền văn hóa an toàn khi mà những người tham gia giao thông tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, mức xử phạt tài chính vẫn là cần thiết, chứ không nên chỉ phạt cảnh cáo.
Theo ông, để áp dụng được quy định này, Việt Nam sẽ phải lưu ý những điều gì?- Tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam nên nhìn nhận vấn đề này theo một cách khác. Đúng là người đi bộ phải bị phạt khi sang đường trái quy định, tuy nhiên cũng cần phổ biến kiến thức về “cách thức đúng khi tham gia giao thông”, đồng thời dọn dẹp vỉa hè để người đi bộ không phải đi xuống lòng đường. Những người điều khiển phương tiện xe cơ giới cần dừng lại nhường đường cho người sang đường tại làn dành riêng cho người đi bộ. Đây là việc hết sức cần thiết!
Xin cảm ơn ông!