Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng ngày 13/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 80,69 USD/thùng, giảm 0,90 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 82,01 USD/thùng, giảm 0,86 USD/thùng trong phiên.
Phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường tiếp tục ghi nhận những chỉ báo tiêu cực về triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu đẩy giá dầu ngày 13/11 giảm mạnh.
Tại Mỹ, quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, chỉ đạt mức tăng trưởng GDP quý III/2021 ở mức đạt 2%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 6,7% và 6,3% của 2 quý trước đó.
Trong các cảnh báo được đưa ra, nếu đà lạm phát tiếp tục leo thang và ở mức cao, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng suy thoái, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.
Khi giá nhiên liệu tăng cao, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc đang tạo một lực cản cực lớn đối với đà phục hồi.
Chi phí hàng hoá leo thang, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy kéo theo giá cả nhiều loại hàng hoá tăng cao, bóp nghẹt túi tiền của người tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng cao. Tình trạng này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và nếu không được cải thiện dẫn đến cầu tiêu dùng chắc chắn giảm, khi đó sẽ tác động ngược lại với hoạt động sản xuất.
Giá dầu hôm nay còn chịu tác động tiêu cực bởi việc OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2021 chỉ tăng 5,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn 160.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Dự báo trên được OPEC đưa ra khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô ở Trung Quốc, Ấn Độ trong quý III/2021 giảm.
Trước đó, giá dầu thô đã có xu hướng giảm nhẹ khi thị trường ghi nhận thông tin Nga tăng mạnh sản lượng khí đốt đến các bể chứa ở châu Âu.
Ngoài ra, việc Tổng thống Joe Biden thông điệp về việc sẽ đặt nhiệm vụ giải quyết bài toán lạm phát đang leo thang đã dấy lên thông tin về khả năng Mỹ sẽ xả kho dự trữ dầu thô để hạ nhiệt giá năng lượng.
Ở diễn biến khác, theo dữ liệu được ghi nhận, sản lượng của OPEC trong tháng 10/2021 chỉ tăng thêm 217.000 thùng/ngày lên 27,453 triệu thùng/ngày, thấp hơn con số được phân bổ 254.000 thùng/ngày của khối trong trong OPEC+.