Tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) TP Hà Nội sau 3 năm triển khai đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, TP cần tăng cường hỗ trợ, kết nối qua đó đưa nhiều SPCNCL vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế Thủ đô
Sau 3 năm xét chọn (2018 – 2020), TP Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu SPCNCL TP Hà Nội. Doanh thu của 77 doanh nghiệp trong năm 2020 đạt gần 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD. Từ đầu năm 2021 đến nay những doanh nghiệp này dã nộp ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng. Cuối tháng 10/2021 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đánh giá, xét chọn SPCNCL TP Hà Nội, qua đó lựa chọn được 46 sản phẩm của 30 doanh nghiệp.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang Nguyễn Mạnh Quang cho biết, để được công nhân là SPCNCL TP Hà Nội, đơn vị đã đẩy mạnh đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất, chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề và chăm lo đời sống cho người lao động. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao, hiệu quả kinh doanh ngày càng tốt hơn.
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng đầu tư sản xuất SPCNCL nhưng trong quá trình phát triển sản xuất, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sức tiêu thụ sụt giảm, thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh...
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định, dù được công nhận là SPCNCL nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế Thủ đô. Việc liên kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với nhau chưa thực sự chặt chẽ; Chưa gắn kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong vai trò hạt nhân, thúc đẩy các doanh nghiệp khác tham gia để hình thành chuỗi sản xuất...
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu rõ, TP Hà Nội chưa có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ từ đó thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.
 Sản xuất tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Công tác trợ giúp doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn khiêm tốn. “Các SPCNCL chưa được quan tâm thích đáng trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường chưa đáp ứng yêu cầu” - ông Nguyễn Minh Phong nói.
Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp
TP Hà Nội bước vào giai đoạn bình thường mới, để phục hồi sản xuất Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc tiếp cận không dễ dàng do thủ tục hành chính rườm rà. Từ những khó khăn đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị UBND TP Hà Nội cần xây dựng giải pháp hỗ trợ nhất là các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) Hà Thị Vinh đề xuất, hiện nhiều doanh nghiệp thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất, vì vậy TP Hà Nội thành lập thêm cụm công nghiệp qua đó doanh nghiệp có thêm mặt bằng sản xuất.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông Nguyễn Đoàn Kết kiến nghị, TP Hà Nội hỗ trợ DN Việt Nam khi xét duyệt đấu thầu các dự án nhất là sản phẩm Made in Việt Nam. Đồng thời nên có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hà Nội khi mua sắm bằng ngân sách Nhà nước theo Chỉ thị 28/CT-TTg mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 26/10/2021.
 Sản xuất tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các SPCNCL, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 60/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển SPCNCL TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua việc tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà nhập khẩu quốc tế tham quan, qua đó kết nối đưa SPCNCL tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...
Tại Đại hội thành lập Hội Doanh nghiệp sản xuất SPCNCL TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng khẳng định, Thành phố luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất SPCNCL. Cụ thể, Hà Nội ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi vốn thông qua việc ban hành 2 đề án về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong giai đoạn 2021- 2025, TP sẽ tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi qua đó đổi mới thiết bị, phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất lao động, khai thác và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ các FTA.
“TP Hà Nội sẽ phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ mới có lợi thế, từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL làm “hạt nhân” thúc đẩy sự phát triển” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.

Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”, trong đó định hướng: Cơ cấu lại các ngành kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất các SPCNCL lên 40-45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn TP; phát triển 8-10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực; phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp công nghiệp lọt vào tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần