Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức giúp nữ lao động nhập cư thoát nghèo

Linh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều lao động nữ phải thuê trọ trong điều kiện thiếu thốn, đi làm từ 10 - 12 giờ/ngày, không có nhiều thời gian cho bản thân, không được học nghề...

Đó là thực trạng được chỉ ra trong một cuộc tọa đàm về vấn đề của lao động nhập cư ở Hà Nội vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP tổ chức. 

Nhiều lao động nữ tại chợ Long Biên là người ngoại tỉnh. Ảnh: Như Ý

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng (CFSCD), điều kiện sinh hoạt của nữ lao động nhập cư tại 3 phường: Phúc Xá (quận Ba Đình), Thịnh Liệt, Định Công (quận Hoàng Mai) trong tình trạng nhà trọ thuê chật hẹp, không đủ ánh sáng, hoặc không có nhà vệ sinh… Họ gặp khó khăn khi đăng ký tạm trú, tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế… Hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết, công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có nghề ổn định sau khi nghỉ việc. Số còn lại không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn.
 Giám đốc CFSCD Lê Thị Thủy cho biết, đời sống của nữ lao động nhập cư gặp nhiều khó khăn, lương thấp, chi tiêu khó khăn. Nhiều lao động đi làm nhưng phải gửi tiền về cho bố mẹ, hoặc trả các khoản nợ từ ngày vay đi học hoặc gửi tiền về quê nuôi con, vì vậy mà mức lương nhiều khi không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu. “Nhiều lao động trong thời gian thử việc 3 tháng thì không có bảo hiểm y tế, nên khi ốm đau không được chăm sóc hoặc tốn quá nhiều chi phí điều trị, khiến họ dễ rơi vào cảnh nghèo đói” - bà Thủy cho biết thêm.
Từ đầu năm 2016, nhằm nâng cao năng lực, hỗ trợ cho nữ lao động nhập cư có cuộc sống hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, Hội LHPN Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm CFSCD đã triển khai dự án “Cải thiện điều kiện sống và góp phần nâng cao quyền năng của nữ lao động nhập cư Hà Nội”, thành lập 3 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ lao động nhập cư tại 3 phường nói trên. Sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, các thành viên nòng cốt cũng chính là người tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm với phụ nữ nhập cư khác ở các xóm, tổ để họ chia sẻ tìm trợ giúp, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, họ cũng đại diện phụ nữ nhập cư trên địa bàn gặp gỡ các cấp chính quyền, để nói lên tiếng nói và nguyện vọng của phụ nữ nhập cư như: Có các công việc làm thêm với thời gian linh hoạt để cải thiện thu nhập; được vay vốn để mở rộng kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện mua bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho con của lao động nhập cư được vào học tại các trường công tại nơi tạm trú…
Chị Vũ Thị Kim Thơi - Chủ nhiệm CLB nữ lao động nhập cư phường Thịnh Liệt cho biết, CLB hiện có 50 hội viên. Thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn kiến thức, kỹ năng về kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, luật pháp, chị em lao động nhập cư đã được kết nối, nâng cao nhận thức và năng lực của bản thân. “Hiện, các cuộc sinh hoạt nhóm của chị em đã trở thành hoạt động không thể thiếu, qua đó giúp đem lại niềm vui, nâng cao hiểu biết, tạo thêm động lực trong cuộc sống” - chị Thơi chia sẻ.
Đó cũng là tâm sự chung của các phụ nữ đang tham gia vào các CLB. Tính đến nay, các CLB thu hút gần 100 nữ lao động nhập cư; phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ dịp 20/10 và trao 20 suất quà cho nữ lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 8 triệu đồng.