Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục chủ động phòng chống bão lụt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 20/8, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) TP đã báo cáo với tập thể UBND TP Hà Nội về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra trên địa bàn Thủ đô.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, bão số 5, có giông lớn, lượng mưa đo được là trên 175mm trong 2 ngày, vượt mức thiết kế (172mm) của hệ thống tiêu thoát nước TP khi chưa hoàn thiện; mưa giông làm đổ gãy 180 cây to, khiến một người chết; 9 ô tô và 30 xe máy bị hư hỏng, một số tuyến đường đã bị ngập sâu; lúa và hoa màu nhiều nơi bị phá hỏng…

Tiếp tục chủ động phòng chống bão lụt - Ảnh 1

Mưa giông làm đổ gãy 180 cây to trên địa bàn TP (Ảnh: CAND).

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp các ngành, các địa phương, tiếp tục, tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, như điện, thông tin, cây đổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… bảo đảm ổn định sinh hoạt, giao thông đi lại và sản xuất của nhân dân. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu địa hình, khoanh vùng để tiêu thoát cho khu vực phía Bắc Hà Nội một cách nhanh nhất, không chỉ tiêu thoát duy nhất về khu vực trạm bơm Yên Sở nhằm ứng phó báo lũ tiếp tục xuất hiện.

Qua đây, Chủ tịch yêu cầu, khi xảy ra úng ngập do bão lụt, việc chỉ huy cần tập trung thống nhất, theo đó, khu vực nội thành phải được ưu tiên xử lý tiêu, thoát nước; khu vực ngoại thành cần tiếp tục kiên cố hóa kênh mương, nghiên cứu nâng công suất các trạm bơm tiêu.

Chủ tịch đề nghị, Ban chỉ huy PCBL TP, cần rà soát lại cơ chế vận hành các trạm bơm và đập Thanh Liệt, khẩn trương tiến hành nâng cấp và cần thiết mở rộng trạm bơm Đông Mỹ bằng vốn ngân sách để tăng khả năng tiêu thoát cho khu vực nội thành. Sở Xây dựng và Công ty Công viên cây xanh, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh, nghiên cứu thay thế và nếu trồng mới phải trồng những cây có rễ cọc, đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy định; trang bị đủ phương tiện chuyên ngành khắc phục cây đổ, gãy…; tiếp tục đẩy mạnh việc hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.

Về sự cố sạt đường khu vực phía bắc quận Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài ), Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra, tích cực khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trong khu vực. Các cơ quan chuyên môn phải có quy định về  quản lý các công trình đang thi công, phải đặt nhiệm vụ phòng, chống lụt bão lên hàng đầu, chủ động các biện pháp, phòng tránh, ứng phó, không để thụ động, bất ngờ.

* Trước đó, ngay sau khi mưa bão xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 5 tại các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Ứng Hòa… Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở NN&PTNT và các địa phương tiến hành ngay các biện pháp giảm tải cho sông Nhuệ khi mực nước ở mức cao trên 5,87m. Đồng thời, thực hiện bơm nước qua trạm bơm tưới La Khê để dẫn nước về trạm bơm Phương Trung, Cao Xuân Dương tiêu nước ra sông Đáy. Cùng với đó vận hành trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa (14 máy, công suất 4.000m³/h) tiêu nước ra sông Đáy và mở đập Hòa Mỹ cho nước dồn về trạm bơm tiêu Vân Đình.

 Phó Chủ tịch lưu ý, khi mực nước trong đồng chưa quá lớn, cây lúa không bị ngập sâu, các huyện tạm dừng bơm tiêu ra sông Nhuệ để tránh quá tải cho hệ thống sông Nhuệ, ảnh hưởng đến các xã thuộc vùng trũng của huyện Thanh Trì và Thường Tín. Kiểm tra sự cố trên đê tả Tích chạy qua huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng UBND huyện Quốc Oai khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp, báo cáo về UBND TP để có kế hoạch cấp kinh phí xử lý.