Cùng với việc bám sát vào nhiệm vụ, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội đã được ghi tại Điều 69, 70 chương V của Hiến pháp, dự thảo báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ, sâu sắc toàn diện vai trò của Quốc hội khóa XIV. Theo đó, hoạt động của Quốc hội khóa XIV được tiếp tục đổi mới, sáng tạo căn bản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, và hoạt động đối ngoại, đã thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều ấn tượng và đánh giá tốt đẹp đối với các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đổi mới để Quốc hội đáp ứng tốt hơn vai trò người đại diện của Nhân dân, Quốc hội cần tập trung hơn nữa những nội dung sau:
Một là, đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc cơ chế chính sách phát triển trong thời gian tới, vì chính sách đúng là chính sách khoa học và thực tiễn, phù hợp, minh bạch, kịp thời, chính là tài nguyên trí tuệ là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Kinh nghiệm phát triển của một số nước như Nhật Bản là một nước hầu như không có tài nguyên thiên nhiên nhưng bằng những chính sách đúng đắn, phù hợp họ đã phát triển nhanh, mạnh, vững chắc và trở thành nước cường quốc phát triển đứng thứ 3 thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Chính sách đúng và kịp thời sẽ thúc đẩy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua đã đưa ra 3 mục tiêu chiến lược cần phải đạt là:- Đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, tức là GDP đầu người phải đạt trên 5.000 USD/người/năm (số liệu 2020 GDP đầu người là: 2.750 USD/người/năm). Để đạt được điều này tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải đạt 7 – 10%/năm.- Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tức là GDP trên đầu người phải đạt 25 - 30.000 USD/người/năm, tức là phải tăng từ 5.000 USD/người/năm 2025 lên 25.000 USD/người/năm 2030 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải đạt 20 - 30%/năm.- Đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao, tức là thu nhập 40 - 60.000 USD/người/năm, tức là kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng từ 15%/năm liên tục kể từ năm 2030.
Tóm lại là, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng làn thứ XIII, việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2026 phải đạt mức tăng 2 con số. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong những năm tới phải có chính sách phát triển kinh tế mang tính đột phá. Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta có những chính sách đúng, kịp thời cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra một cách nhanh chóng. Do vậy để có động lực và tạo đà cho các cơ chế, chính sách được ban hành trong thời gian tới đảm bảo nhanh, khoa học, minh bạch đúng đắn phù hợp với thực tiễn làm nền tảng, động lực cho sự phát triển, Quốc hội cần tăng cường hơn nữa cho việc giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc về chính sách phát triển, và cần giám sát từ khâu: tác động của chính sách, quy trình xây dựng chính sách cho đến việc ban hành và thực thi các chính sách.Hai là, Quốc hội cần có giải pháp để các Đại biểu Quốc hội và các Đoàn Đại biểu Quốc hội gắn bó mật thiết hơn với cư tri, giải quyết triệt để khiếu nại và nguyện vọng của cử tri.Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này đã được chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở, được sự quan tâm của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp, việc giải quyết khiếu nại của cử tri đã được quan tâm hơn, triệt để hơn, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân được giải quyết nhiều hơn, nhanh hơn; Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều đơn thư khiếu nại kéo dài nhiều năm nhất là vấn đề về đất đai, việc giải quyết của các cấp chính quyền chưa được dân đồng thuận chấp nhận nên tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Thực tế cho thấy việc giải quyết khiếu nại kéo dài phần lớn không có cơ sở giải quyết vì hồ sơ của người dân không đầy đủ cơ sở pháp lý để giải quyết nhưng người dân vẫn tin vào thực tế nhà đất của họ là như vậy và có bằng chứng lịch sử, do vậy họ tiếp tục khiếu kiện. Về việc này, tôi đề nghị Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cần xem xét đến từng trường hợp cụ thể, tổ chức giám sát thực tế, tìm hiểu cụ thể đến ý kiến xác minh của người dân xung quanh về nguồn gốc lịch sử nhà đất của người dân khiếu kiện, sau đó làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân nếu thấy đủ cơ sở, để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài về đất đai của người dân.
Ba là, Cần tiếp tục cải tiến hơn nữa quy trình xây dựng Luật.Khóa XIV đã có những bước cải tiến đổi mới hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh Luật như Ban soạn thảo đã làm kỹ hơn hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét. Có báo cáo đánh giá tác động khi xây dựng hay điều chỉnh Luật, có tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan, chuyên gia và các tổ chức xã hội, thời gian gửi tài liệu cho các Đại biểu Quốc hội cũng sớm hơn.Tuy nhiên, việc xây dựng và điều chỉnh Luật cũng cần được tiếp tục cải tiến hơn nữa, cụ thể: Cần có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn, sâu hơn, hoàn chỉnh hơn nữa đến việc xây dựng và điều chỉnh Luật; cần xin ý kiến rộng rãi hơn nữa tới các đối tượng chịu tác động của Luật, cần có văn bản hướng dẫn thi hành Luật được gửi kèm với dự án Luật để Đại biểu Quốc hội có ý kiến cùng với ý kiến khi xây dựng, điều chỉnh Luật giúp cho việc khi ban hành Luật và điều chỉnh Luật thì hướng dẫn mang tính khoa học, thực tiễn và thực hiện được ngay. Việc gửi tài liệu dự án Luật cho các Đại biểu Quốc hội cần tiếp tục được cải tiến theo hướng càng sớm càng tốt.
Bốn là, cần tiếp tục đẩy nhanh Quốc hội điện tử tiến tới Quốc hội số. Khóa XIV đã tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong Quốc hội, như việc họp Quốc hội trực tuyến qua mạng, việc gửi thông tin tài liệu qua mạng cũng giảm thời gian đáng kể và tiết kiệm cho việc in ấn một khối lượng lớn tài liệu, một số thông tin có thể được trao đổi qua mạng cũng là mang một ý nghĩa quan trọng cho các Đại biểu Quốc hội.Tuy nhiên, Quốc hội cần nhanh chóng xây dựng Quốc hội điện tử để giải quyết những vấn đề mấu chốt, cốt lõi của Quốc hội, vì chỉ có xây dựng Quốc hội điện tử mới tạo ra được một thiết chế trong quan hệ điều hành của Quốc hội để có sự trao đổi thường xuyên giữa Đại biểu Quốc hội với Đại biểu Quốc hội, giữa Đại biểu Quốc hội với các Ủy ban của Quốc hội và đoàn Đại biểu Quốc hội, giữa Quốc hội và các cơ quan Quốc hội với Chính phủ, giữa các Đại biểu Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ. Có như vậy Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện các chức năng của Quốc hội một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.
Do vậy, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội quan tâm xây dựng Quốc hội điện tử trong thời gian sớm nhất và chuẩn bị cho xây dựng Quốc hội số. Khi tiến hành Quốc hội số thì các Đại biểu Quốc hội sẽ liên hệ, trao đổi trực tiếp được với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và truy cập trực tiếp được các thông tin, cơ sở dữ liệu để trả lời trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua môi trường mạng, nên sẽ hoàn thiện nâng cao được chức năng và vị thế của Quốc hội, đáp ứng hơn được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.