Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư cho biết, tính đến ngày 25/6, thiệt hại do bão số 2 gây ra vẫn tiếp tục gia tăng.Cụ thể, bão đã làm 1 người chết, 2 người bị mất tích do lũ cuốn trôi. Về tài sản, có 7 ngôi nhà tại Nghệ An và Quảng Ninh bị ngập, cuốn trôi. Đặc biệt, bão số 2 đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình. Trong đó, tỉnh Nghệ An có hơn 9.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; tỉnh Quảng Ninh có hơn 5.200ha nuôi trồng thủy sản bị nước biển tràn qua; tỉnh Nam Định ngập, hư hỏng hơn 2.150ha nuôi trồng hải sản phía ngoài đê, 100 lều coi ngao và khoảng 3 tỷ đồng ngao cám bị thiệt hại; tỉnh Thái Bình có 360ha lúa gieo thẳng bị ngập, hơn 1.400ha cây màu thiệt hại 10 - 50%... Trước tình hình đó, ngày hôm qua (25/6), các địa phương vẫn tích cực khắc phục hậu quả do bão gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra tại bãi tắm ở khu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Lê Hiếu
Tại Hà Nội tuy không bị thiệt hại nhiều từ bão số 2, nhưng do mưa lớn kéo dài nên trên địa bàn một số huyện đã xảy ra ngập một số diện tích lúa mới cấy. Do vậy, Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội đã huy động 70 trạm bơm với 215 máy bơm hoạt động tiêu nước, tổng lưu lượng nước đạt 605.750m3/giờ. Cùng ngày, đoàn công tác số 09 của Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị PCLB và giải quyết vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 25/6, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung cho biết, Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, thời gian chủ yếu tập trung vào tháng 7, 8 và 9. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn TP; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ. Ban chỉ huy PCLB TP đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 14 đoàn kiểm tra tại các địa phương về việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện cho các phương án theo phương châm "4 tại chỗ"; việc bổ sung hoàn thiện phương án PCLB sát với đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo sẵn sàng triển khai ứng phó chủ động, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Thông tin tại buổi giao ban báo chí, đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai kế hoạch khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, kênh dẫn, cống ngầm, cống ngang tăng cường khả năng tiêu thoát úng; xây dựng kế hoạch tiêu cục bộ ở những điểm thường xuyên úng ngập; sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông hàm ếch ga thu, cảnh giới và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập. Đồng thời tập trung tu sửa máy móc, thiết bị, đảm bảo vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng…
Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do tăng cường ứng trực triển khai các lực lượng 24/24 giờ nên đã hạn chế những thiệt hại mà cơn bão số 2 gây ra. Tính đến 17 giờ ngày 24/6 các sự cố lưới điện tại các vùng bị ảnh hưởng của bão số 2 đã cơ bản khắc phục xong. |