Châu Âu lại thành tâm dịch Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá châu Âu lại trở thành tâm điểm bùng phát Covid-19 khi ca nhiễm tăng ở mọi lứa tuổi và tốc độ lây "cực kỳ đáng lo ngại". "Một lần nữa, chúng ta lại trở thành tâm điểm đại dịch", giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nói tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 4/11.
WHO đánh giá châu Âu lại trở thành tâm điểm bùng phát Covid-19 khi ca nhiễm tăng ở mọi lứa tuổi. Ảnh: AP |
Khu vực châu Âu của WHO, gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện ghi nhận hơn 78 triệu ca Covid-19, cao hơn tổng ca nhiễm tại Đông Nam Á, khu vực Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.
Trong tuần trước, châu Âu và Trung Á báo cáo gần 1,8 triệu ca nhiễm mới, tăng 6% so với 1 tuần trước đó và chiếm 59% ca toàn cầu. Số ca tử vong do Covid-19 trong khu vực tuần trước cũng tăng 12%, chiếm 48% ca tử vong toàn cầu. Đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu, khi những nơi khác đều chứng kiến xu hướng số ca mắc Covid-19 “giảm hoặc ở mức ổn định”.
“Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng nữa về sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19”, ông Kluge cho hay, đồng thời lưu ý thêm rằng "tốc độ lây nhiễm hiện nay ở 53 quốc gia cực kỳ đáng lo ngại" với ca nhiễm hàng ngày gần mức kỷ lục do biến chủng Delta.
"Ca nhiễm gia tăng ở tất cả nhóm tuổi. Hiện nhiều quốc gia ở châu Âu và Trung Á đang phải đối mặt với mối đe dọa thực sự về làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 hoặc đang phải chiến đấu với sự trỗi dậy đó. Nếu theo quỹ đạo này, chúng ta có thể chứng kiến thêm nửa triệu người chết do Covid-19 ở châu Âu và Trung Á từ nay đến ngày 1/2/2022", quan chức WHO cảnh báo.
Ông Kluge cho rằng có 2 yếu tố gây ra đợt bùng phát mới, đó là các quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng ở Balkan và phía Đông châu Âu còn thấp. “Tỷ lệ nhập viện ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp cao hơn rõ rệt và tăng nhanh hơn so với những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao”, ông Kluge cho biết.
Theo ông Kluge, diễn biến đáng báo động nhất là số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến đối với nhóm người cao tuổi, trong đó tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện nhập viện tăng hơn gấp đôi trong tuần qua và 75% số người không qua khỏi là những người từ 65 tuổi trở lên.
Catherine Smallwood, quan chức cao cấp của WHO tại châu Âu, nói rằng phần lớn những nước đã dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến. “Điều đáng lo ngại là làn sóng lây nhiễm mới cũng được ghi nhận tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, điều này chứng tỏ đại dịch còn diễn biến khó lường” - quan chức WHO nói.
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết: "Một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn mong đợi dù sở hữu sẵn số lượng lớn vaccine. Đây là một phát súng cảnh báo để thế giới theo dõi những gì đang xảy ra ở châu Âu".
Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêm chủng ở Đông Âu là 24%, thuộc hàng thấp nhất châu Âu. Không chỉ Đông Âu, khu vực Tây Âu cũng đang góp phần làm tăng số ca mắc Covid-19 cho dù một số quốc gia gần như đã tiêm chủng toàn dân.
Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Oxford cho rằng tỷ lệ tiêm chủng khác biệt đã khiến Đông Âu và Tây Âu có diễn biến dịch bệnh khác nhau, nhưng điểm chung ở hai khu vực là: nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch khi nền kinh tế mở cửa trở lại; thời tiết lạnh khiến mọi người tụ tập trong không gian kín dễ lây nhiễm virus; biến thể Delta lây lan dễ hơn.
Chuyên gia Kluge nhấn mạnh rằng các biện pháp như xét nghiệm, truy vết, duy trì khoảng cách và sử dụng khẩu trang vẫn là một phần của "kho vũ khí" chống Covid-19. "Chúng ta phải thay đổi chiến thuật, từ phản ứng với sự gia tăng ca Covid-19 sang ngăn chặn bùng phát ngay từ đầu".
Loay hoay đối phó đợt bùng phát dịch mới
Trong 7 ngày qua, Nga ghi nhận số người chết cao nhất với 8.162 người chết, tiếp theo là Ukraine với 3.819 và Romania với 3.100. Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất Đông Âu, cũng có thêm 15.515 trường hợp mắc mới trong ngày 4/11, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Cả Croatia và Slovenia cũng báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng kỷ lục trong ngày 4/11.
Latvia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở EU áp đặt lệnh phong tỏa trở lại khi vất vả với làn sóng ca mắc mới tăng vọt. Ảnh: Reuters |
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, báo cáo 33.949 ca nhiễm mới trong ngày 4/11. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất của Đức kể từ đầu đại dịch đến nay. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 3/11 cảnh báo rằng, cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với những người từ chối tiêm vaccine.
Tình trạng bùng dịch trở lại khiến các nước châu Âu buộc phải hành động. Latvia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh phong tỏa trở lại khi vất vả với làn sóng ca mắc mới tăng vọt mà tỷ lệ tiêm chủng lại thấp. Mới 56% người trưởng thành ở Latvia đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 74,6% ở EU. Quốc hội Latvia hôm 4/11 đã cho phép các doanh nghiệp sa thải những công nhân từ chối tiêm vaccine Covid-19, đồng thời chuyển sang làm việc từ xa.
Tại Nga, thủ đô Moscow đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp, trừ các cửa hàng thiết yếu, trong 10 ngày. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành lệnh cấm toàn quốc các dịch vụ nhà hàng từ 11 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau khi nước này đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Trong tuần qua, các chính phủ Hungary, Romania, Cộng hòa Czech và Ba Lan cũng tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trước kỳ nghỉ lễ mùa đông, cũng như khuyến khích người dân tiêm ngừa vaccine.
Trong khi đó, hôm 2/11, Hà Lan là nước đầu tiên ở Tây Âu thông báo áp dụng trở lại biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 6/11, chưa đầy 2 tháng sau khi nới lỏng mạnh tay các biện pháp giãn cách xã hội. Đối mặt với tình trạng các ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng mạnh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết chính phủ sẽ khôi phục lệnh đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, đồng thời gia hạn yêu cầu bắt buộc trình thẻ xanh Covid-19 ở những nơi như viện bảo tàng, nhà hàng.
Trước đó, hôm 1/11, chính phủ Bỉ thông báo thực hiện biện pháp chặt chẽ hơn ngăn dịch Covid-19 sau khi số ca nhiễm mới ghi nhận mức cao nhất trong một năm, đồng thời yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và khuyến khích người dân làm việc từ xa./.