Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Bộ Tư pháp về việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp một số nhiệm vụ. 
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Một trong những vấn đề nổi lên tại buổi làm việc là các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp có 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, với 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Dự kiến tới đây, Bộ cắt 43/98 điều kiện, chiếm 44%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát điều kiện kinh doanh, kiên quyết cắt giảm, loại bỏ những quy định chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết. “Điều kiện kinh doanh không cụ thể, không thể lượng hóa được vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. “Nếu tiếp tục rà soát sâu rộng hơn thì có thể cắt giảm tới 60% điều kiện kinh doanh hiện hành, thay vì 44% điều kiện kinh doanh được đề xuất bãi bỏ” - ông Hiếu đề xuất.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp không phải là ngành nghề kinh doanh, như hoạt động trọng tài thương mại là hoạt động phi lợi nhuận.

Đồng ý với ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng rằng nhiều ngành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, quản tài viên, thừa phát lại hay trung tâm trọng tài không hẳn là ngành nghề kinh doanh, bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục ghi nhận để có những tham mưu trong thời gian tới, rất mong các cơ quan khác cũng nhìn nhận đây không phải là những ngành nghề kinh doanh đơn thuần”. Bà Yến cũng cho hay, Cục đã đề nghị bãi bỏ nhiều điều kiện như “phải có sức khỏe tốt” để hành nghề luật sư và tiếp tục rà soát để cụ thể hóa các quy định hiện đang chung chung, không rõ ràng, hoặc bãi bỏ.