Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/12, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Mục tiêu kép trong năm 2014

Theo nhận định của Chính phủ, mặc dù KT - XH năm 2013 đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng năm 2014, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, còn nhiều hạn chế yếu kém và chưa thể tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn; Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh là rất lớn trong khi ngân sách rất khó khăn, đồng thời chúng ta còn phải dành nhiều nguồn lực để ứng phó với thiên tai...Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, đến nay đã có 39 địa phương hoàn thành thu, trong đó có 2 TP là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nguồn thu lớn đã đóng góp tích cực chung vào ngân sách cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, tình hình thực hiện thu ngân sách trong năm tới vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.     Ảnh: Anh Quý
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Anh Quý
 
Báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại Hội nghị cho thấy, năm 2013 nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, ước thu ngân sách của TP trong năm 2013 đạt 162.100 tỷ đồng, trong khi dự toán được giao đầu năm là 161.000 tỷ đồng... TP đã thực hiện giãn, hoãn hỗ trợ cho DN trên địa bàn là 13.533 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị, ưu tiên hàng đầu hiện nay là Chính phủ cần thúc đẩy tăng trưởng, bởi có tăng trưởng mới thực hiện tương đối cung cầu, bình ổn giá cả lâu dài, vững bền, đảm bảo tăng lương cơ bản góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định vĩ mô. "Trong bối cảnh thực tế hiện nay vừa phải phát triển theo chiều rộng vừa theo chiều sâu, Chính phủ cần xác định đâu là trọng tâm trước mắt, đâu là yếu tố đột phá để có chính sách căn cơ" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất. 

Trong báo cáo, TP Hà Nội cũng đề xuất, bên cạnh việc ưu tiên hàng đầu tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, việc kích cầu kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng, đầu tư công cũng cần được Chính phủ cân nhắc... Đây là mục tiêu kép vừa thúc đẩy sản xuất, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Chia sẻ quan điểm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ linh hoạt, từng bước nới lỏng, đồng thời kiểm soát, ngoài ra tài chính tiếp tục có giải pháp miễn thuế cho DN nhỏ và vừa, DN đổi mới công nghệ, đề nghị miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế thu nhập DN hỗ trợ trực tiếp DN đổi mới công nghệ...   

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính cũng được đưa vào nội dung điều hành trong năm tới. Dự thảo cũng đề cập đến nội dung triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực chi, rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Dự thảo cũng đặt ra việc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó kiểm soát giá dịch vụ công, giá điện, xăng, dầu, vừa theo giá thị trường, vừa theo yêu cầu kiểm soát lạm phát…

Để đảm bảo cho DN tiếp cận được nguồn tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý nợ xấu, điều hành lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, người gửi tiền và khách hàng vay...

Đề án tổng thể và cải cách toàn diện

Thống nhất với 9 giải pháp lớn và 18 giải pháp cụ thể mà Dự thảo Nghị quyết điều hành năm 2014 của Chính phủ đề ra, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, lực đỡ chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2014 chính là cải cách thể chế, cải cách hành chính. Trong điều kiện trình độ phát triển KT - XH và năng lực quản lý Nhà nước ở các cấp địa phương có sự chênh lệch lớn thì việc đa dạng hóa hình thức phân cấp là điều rất cần thiết. Ngoài việc thay đổi đột phá về thể chế kinh tế và tổ chức hành chính, lãnh đạo nhiều tỉnh cũng đặc biệt nhắc đến Đề án tổng thể và cải cách toàn diện nền kinh tế  gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Báo cáo trước Hội nghị về tiến độ tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đang thực hiện đẩy mạnh quá trình này, riêng về thoái vốn Nhà nước ngoài ngành, Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới, có thể ban hành văn bản cho phép chấp nhận bán lỗ khi thoái vốn ở một số ngành hoạt động yếu kém.Hôm nay (24/12), Hội nghị tiếp tục làm việc.

 
"Chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản chưa đủ mạnhCác chính sách vừa qua, đặc biệt là chính sách về nhà ở xã hội dù sao cũng chỉ mang tính hỗ trợ. Đề nghị, tới đây, Chính phủ phải có một "giải pháp mạnh" về tín dụng mới vực được thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường, đó chính là khi mà thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu..." -Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo