Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết lộ gây sốc về khoản nợ khổng lồ thế giới đang gánh chịu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thế giới đang gánh chịu khoản nợ lên đến 315 nghìn tỷ USD, gần gấp ba lần tổng GDP toàn cầu.

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thế giới đang gánh chịu khoản nợ lên đến 315 nghìn tỷ USD, gần gấp ba lần tổng GDP toàn cầu.

Nếu tính từng khoản nợ, nợ gia đình, bao gồm những khoản như thế chấp, thẻ tín dụng và vay nợ để đi học, đã lên đến 59,1 nghìn tỷ USD vào năm 2024.

Trong khi đó, nợ doanh nghiệp, đến từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất của các tập đoàn, đang ở mức 164,5 nghìn tỉ USD, riêng lĩnh vực tài chính đã chiếm tới 70,4 nghìn tỷ USD. Nợ chính phủ ước tính vào khoảng 91,4 nghìn tỷ USD.

Thế giới đang gánh chịu khoản nợ lên đến 315 nghìn tỷ USD. Ảnh: CNBC
Thế giới đang gánh chịu khoản nợ lên đến 315 nghìn tỷ USD. Ảnh: CNBC

Borge Brende, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy và hiện đang là chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho biết: “315 nghìn tỷ USD là một con số đáng kinh ngạc. Khoản nợ này gấp ba lần so với tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu GDP vào năm 2024 (109,5 nghìn tỷ USD). Nếu chia số nợ đó cho từng cá nhân thì mỗi người sẽ phải gánh khoản nợ khoảng 39.000 USD”.

Các chuyên gia đánh giá đây là đợt tăng nợ lớn nhất và xảy trên phạm vi rộng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong báo cáo Giám sát nợ toàn cầu hàng quý được công bố vào tháng 5, IIF nhận định đợt tăng nợ lần này chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường mới nổi, khu vực đang phải gánh chịu khoản nợ lên đến 105 nghìn tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với hơn một thập kỷ trước. Trong đó, Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ chứng kiến mức tăng nợ lớn nhất năm 2024.

Trong khi tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi khủng hoảng bất động sản, Ấn Độ cũng đang phải đối diện với khoản nợ khổng lồ, có nguy cơ vượt quá quy mô nền kinh tế nước này vào cuối thập kỷ này, đặc biệt khi New Delhi đang chi hàng tỷ bảng Anh nhằm đối phó với thiên tai.

Các thị trường mới nổi có tỷ lệ nợ trên GDP - mô tả khả năng trả nợ của một quốc gia - lên đến mức kỷ lục 257%, khiến tỷ lệ chung trên toàn cầu lần đầu tiên tăng lên sau ba năm.

IFF nhận định lạm phát dai dẳng, tranh chấp thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài của các thị trường mới nổi, khi nhiều nước đang phải vật lộn với các khoản nợ bằng đồng USD cao.

Trong khi đó, các nền kinh tế trưởng thành – thuật ngữ được sử dụng để mô tả quốc gia có dân số ổn định và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại - đang chiếm phần lớn trong khoản nợ khổng lồ này, dẫn đầu là Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế trưởng thành nhìn chung đã giảm.

Dù vậy, IIF cảnh báo lạm phát dai dẳng tại Mỹ và việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, hay đồng USD tăng giá có thể khiến nợ chính phủ tại quốc gia này tăng vọt, tác động tiêu cực đến các thị trường mới nổi.

Cơ quan này cũng cho biết, thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ đang cao hơn mức đại dịch và có thể sẽ đóng góp khoảng 5,3 nghìn tỷ USD vào tích lũy nợ toàn cầu trong năm nay.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, cũng đang gánh chịu khoản nợ khổng lồ, với tổng giá trị vượt hơn 600% GDP. Mặc dù phần lớn nợ của quốc gia này là nợ công nhưng những năm gần đây, nợ của khu vực tài chính đang có xu hướng gia tăng.