Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm công nghệ tuần: Lại rộ chiều lừa đọc tin "hot" để chiếm tài khoản Facebook

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiêu thức lừa người dùng Facebook truy cập vào những tin có tiêu đề “hot” gây tò mò trên các trang tin tức giả mạo để đánh cắp tài khoản lại bùng phát trở lại trong thời gian gần đây.

Chiêu lừa đảo phổ biến trên Facebook được lặp lại
Theo phản ánh của người dùng Facebook, thời gian gần đây, nhiều người dùng đã bị tag vào các post giới thiệu các bài viết có tiêu đề hot, gợi tò mò của người đọc, ví dụ như: “Thuê căn nhà rách nát để thử lòng người yêu, cô gái bước vào trong đó được 5 phút thì quay ra cho chàng trai câu trả lời”… với nguồn liên kết bên dưới được ghi theo các trang tin uy tín.
 Hình thức lừa đảo này từng nở rộ trên Facebook vào năm 2014
Sau khi người dùng truy cập vào link trang tin tức giả mạo này, người dùng bị chuyển hướng đến trang độc hại và có nguy cơ nhiễm mã độc, bị đánh cắp tài khoản Facebook.
Chuyên gia an ninh mạng Bkav cho biết, cách thức lừa đảo, dụ người dùng truy cập vào các trang tin tức giả mạo để đánh cắp tài khoản không mới, từng không ít lần được các chuyên gia cảnh báo, tuy nhiên vẫn lừa được nhiều người dùng Facebook vì tiêu đề các tin tức giả mạo kẻ xấu đưa ra đánh vào ý thức, trí tò mò của người dùng.
Để phòng tránh hình thức lừa đảo “Giả mạo trang tin tức” để đánh cắp tài khoản Facebook, Bkav khuyến nghị người dùng Facebook cần chủ động xác minh lại các thông tin nhận được và không làm theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy.
Đối với những người dùng đã lỡ click vào link trang giả mạo và thực hiện theo hướng dẫn, bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản Facebook, chuyên gia Bkav khuyên: “Tốt nhất người dùng nên nhờ hỗ trợ của những người am hiểu kỹ thuật để được hướng dẫn cách thức liên hệ với Facebook, xác minh thông tin nhằm lấy lại tài khoản”.
Việt Nam nối tuyến cáp quang nhanh và chắc chắn hơn AAG
Theo thông báo từ các công ty viễn thông trong nước, tuyến cáp APG do VNPT, Viettel, FPT và CMC tham gia đầu tư vừa chính thức đi vào hoạt động sau khoảng 4 năm thi công.
 Sơ đồ tuyến cáp quang APG mới đưa vào khai thác
APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển có lưu lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á, băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Hiện các nhà mạng đang khai thác ở mức 4 Tbps.
Tuyến cáp này có chiều dài 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, đi qua 9 nước châu Á gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Việc "có chân" trong tuyến cáp quang biển mới giúp Internet tại Việt Nam ổn định hơn và bớt phụ thuộc vào tuyến AAG như trước. Trong năm 2016, AAG ba lần gặp sự cố, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Nguyễn Hà Đông sẽ tài trợ cho các startup
Tuần qua, tác giả trò chơi Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông cho biết từ năm 2017, anh sẽ tài trợ các dự án của sinh viên với mức tối đa là 200 triệu đồng cho mỗi dự án.
 Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của trò chơi Flappy Bird
Trên trang cá nhân Facebook của mình, Nguyễn Hà Đông cho viết: “Để đóng góp lại cho cộng đồng, từ năm 2017, tôi mong muốn hỗ trợ tài chính cho một số dự án của sinh viên tại Việt Nam và ở cả các nước khác. Các bạn sinh viên hãy gửi dự án cho tôi dù nó tệ như thế nào. Tôi sẽ dành sự ưu tiên cho các dự án trong các lĩnh vực: Robotics, Xã hội, Cộng đồng và giáo dục. Đối tượng sinh viên có thể nhận được hỗ trợ bao gồm cả trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ.”.
Chia sẻ về khoản tiền hỗ trợ với các dự án startup, Nguyễn Hà Đông cho biết thêm: "Mỗi năm, tôi sẽ tài trợ 5 dự án và tối đa 200 triệu đồng cho mỗi dự án. Tôi mong muốn các bạn sinh viên có thêm tài chính để mua công cụ, vật liệu, tài liệu... làm dự án để có thể phát triển.
"Tôi sẽ trực tiếp chọn dự án để tài trợ. Đối với các dự án đề nghị tài trợ thuộc lĩnh vực hoặc ngành không thuộc chuyên môn của tôi, đó là may mắn vì tôi có cơ hội để học hỏi thêm", cha đẻ của Flappy Bird nói.
Hàng chục container rác điện tử nhập vào Việt Nam
Theo thông tin từ Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã thực hiện khám xét 11 container phế liệu nhập khẩu từ Hồng Kông và Mỹ về cảng Phước Long, Thủ Đức, TP.HCM.
 Lô hàng bị phát hiện
Hàng hóa thể hiện là đồng phế liệu, tuy nhiên bên trong lại chứa các bản bo mạch, đầu thu phát sóng, đầu đĩa đã qua sử dụng, thuộc mặt hàng Việt Nam cấm nhập khẩu.
Doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai nhập khẩu là Công ty Cổ phần đúc và chế tạo khuôn mẫu CEM (đóng tại khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, chuyên gia công, sản xuất các loại nhựa). Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp này không đến làm thủ tục nhận hàng.
Đây là một trong những vụ nhập khẩu phế liệu điện tử thuộc diện cấm lớn nhất qua cảng TP.HCM bị phát hiện từ trước đến nay.