Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm kinh tế tuần: Tỷ giá có thể đảo chiều trong thời gian tới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là dự báo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trước tình trạng tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong tuần qua.

Giá USD/VND sẽ đảo chiều
Trong tuần qua, tỷ giá giữa VND và USD có sự dịch chuyển khá mạnh. Tiêu biểu là vào trưa ngày 24/11, giá USD được nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh và chỉ còn thêm 5 VND nữa là đạt mức trần cho phép.
Để trấn an thị trường, thay mặt NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra thông điệp: Những diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong thời gian vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016, NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhận định về thị trường ngoại tệ trong thời gian tới, bà Hồng cho hay: Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn chủ yếu là do yếu tố tâm lý và có thể có diễn biến đảo chiều trong thời gian tới.
Đánh giá về việc tỷ giá USD/VND tăng vọt trong tuần, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng: Kể từ trước thời điểm ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ thì đồng VND không những không mất giá mà còn tăng khoảng 0,7%. Bù qua, bù lại có thể thấy từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, VND khá ổn định.
Theo ông Lực, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang cả đầu năm 2017, dù những biến động từ kinh tế thế giới vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhiều phân tích cho rằng tỷ giá của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định và thích ứng ngày càng tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Bộ Công Thương "thanh lọc" bộ máy
Tuần qua, Bộ Công Thương đã thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc theo hướng tinh giản bộ máy cho phù hợp. Theo đó 35 đầu mối trong Bộ đươc giảm xuống chỉ còn 28 đầu mối.
Cụ thể, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp;
Bên cạnh đó, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương;
Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành 2 Vụ Châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về 2 Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp ) nhập thành một viện.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.
Thuế xuất, nhập khẩu xăng dầu giảm "sốc" gần 10.000 tỷ đồng
Thông tin này vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra khi nói về thu ngân sách ngành Hải quan năm 2016.
Được biết, các yếu tố dẫn tới thu thuế xuất nhập khẩu từ xăng dầu giảm do tổng lượng xuất khẩu dầu thô đã giảm mạnh cũng như doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu chuyển hướng sang nhập ở các thị trường có ký kết hiệp định hợp tác để được ưu đãi. Riêng ưu đãi 10% cho mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc đã khiến giảm thu thuế khoảng 5.000 tỷ đồng.
Không những thế, tương lai khoản thuế này còn giảm mạnh nếu biết trong năm 2017, 2018 dự kiến 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất sẽ đi vào hoạt động dần dần hết công suất, từ đó dẫn tới số thu thuế từ xăng dầu sẽ về 0% thay vì chiếm 15 – 16% tổng thu thuế xuất nhập khẩu như hiện nay.
Về xuất khẩu dầu thô, 10 tháng đầu năm 2016 cả nước xuất khẩu 5,7 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm mạnh 25% về lượng và 41% về trị giá. Số xăng dầu nhập khẩu từ đầu năm đạt 9,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng 18% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (khoảng 600 triệu USD).
Phí đường bộ qua BOT: Thu được 1 tỷ USD trong 2016
Đây là thông tin mới được ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc VETC đưa ra khi nói về các khoản thu từ các trạm BOT trên toàn quốc.
Hiện Việt Nam có hơn 21.000 km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ đồng, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ đồng.
"Những con số này thể hiện lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông trên đường quốc lộ, cao tốc, tại các trạm thu phí, trong nội đô hay các điểm đỗ, gửi xe...", ông Lâm cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Tasco, thực tế, khi hàng loạt các dự án BOT giao thông mới bắt đầu được xây dựng, mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí công nghệ cũ đã thể hiện những nhược điểm do không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông và khó bảo đảm được tính minh bạch, nguy cơ thất thoát phí. Vì thế, giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin được sẽ mang lại giải pháp giúp vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải đạt đến trình độ phát triển mới, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.