Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm kinh tế tuần: Việt Nam có nhiều cơ hội chờ đợi các nhà đầu tư

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ).

Cơ hội tốt để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Vào ngày 19/1 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến tham dự WEF ở Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”. Thủ tướng nhìn nhận không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nêu rõ, Việt Nam sẽ đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia.
 
Hiện có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là những nền tảng và lợi thế rất quan trọng mà nhiều tập đoàn công nghệ cao như Fujitsu, Intel, Samsung, Siemens, Acatel... đang tranh thủ để mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 hiệp định FTA mới, trong đó có Hiệp định RCEP, ủng hộ hợp tác phát triển hạ tầng của Ngân hàng ADB, hợp tác "Mekong - Lan Thương", hợp tác "Một vành đai, Một con đường". Điều đó giúp Việt Nam tiếp cận thị trường của 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác đầu tư, thương mại.
Sabeco cử người đại diện vốn thay ông Vũ Quang Hải
Tuần qua, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố thông tin cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã có nghị quyết thông qua việc cử ông Nguyễn Minh An, Phó tổng giám đốc Sabeco làm người đại diện quản lý vốn của Sabeco thay ông Vũ Quang Hải. Ông An cũng được giới thiệu tham gia HĐQT CTCP Bia Sài Gòn – Khánh Hoà theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT Sabeco.
 
Trước đó, ngày 11/1, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan vừa có công văn gửi ông Vũ Quang Hải về nội dung đơn kiến nghị ngày 30/12/2016 của ông về việc đề nghị xem xét chấp thuận cho tiếp tục làm việc tại Sabeco. Trong đơn kiến nghị gửi Bộ Công Thương, ông Hải cũng đề nghị ở lại Sabeco, nhiệm vụ cụ thể do HĐQT Sabeco phân công và xin không tiếp tục công tác với tư cách cán bộ, công chức tại Bộ Công Thương.
“Qua xem xét, Bộ Công Thương nhất trí với nội dung kiến nghị của ông Hải. Việc bố trí công tác đối với ông tại Sabeco phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của Sabeco. Đề nghị ông báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định”, văn bản từ Bộ Công Thương nêu.
Như vậy, ông Hải không còn là cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ công Thương nữa. Còn việc ông Hải đề xuất ở lại Sabeco, công văn số 122 của Bộ Công Thương nhấn mạnh: ông Hải cần báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định. Dự kiến trong tháng 2 tới, Sabeco sẽ tổ chức đại hội bất thường miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Sabeco của ông Vũ Quang Hải.
Phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Dự án Đạm Ninh Bình
Tuần vừa rồi Bộ Công Thương đã công bố Kết luận về thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Kết luận đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại dự án này.
 
Cụ thể, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế; Bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa chưa tuân thủ quy định.
Ngoài ra, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với Hợp đồng EPC. Cũng theo Kết luận, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với Hợp đồng đã ký là 420 ngày. Do thời gian thi công chậm 420 ngày nên phát sinh chi phí, riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian Hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cũng liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 47.910.220 USD tương đương với 1.025 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2014). Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỷ đồng.
Cũng theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi nhưng thực tế năm 2015 (năm thứ 4) Công ty lỗ 364 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Dự án không có hiệu quả về kinh tế, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên, không đảm bảo hiệu quả về mặt xã hội, Kết luận thanh tra chốt lại.
Người dân miền Nam “đổ” 85.000 tỷ đồng vào xổ số năm 2016
Trong dự thảo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2016, Hội đồng Xổ số Kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam với 22 thành viên, trong đó có Vietlott, đã đưa ra các con số kinh doanh khá tích cực.
 
Cụ thể, trong năm 2016, doanh số phát hành toàn thị trường miền Nam đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 5,98% so với năm 2015. Doanh thu tiêu thụ 66.678 tỷ đồng, tăng 8,09% so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ bình quân đạt 77,85%, cao hơn năm 2015 là 1,52%.
Chi phí trả thưởng ở mức 32.087 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trả thưởng trên doanh thu tiêu thụ là 48,12%. Chi phí phát hành: 11.839 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí phát hành trên doanh thu tiêu thụ là 17,76%. Lợi nhuận thực hiện đạt 8.879 tỷ đồng, tăng 9,66% so với năm 2015 và đạt 125,34% kế hoạch năm 2016.
Như vậy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016 có tỷ lệ tăng tốt và đều vượt năm 2015 cũng như vượt kế hoạch giao năm 2016. Qua đó, cho thấy hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết của khu vực miền Nam vẫn có sự tăng trưởng tốt.