Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiêu điểm tuần] Khởi tố các đối tượng dâm ô trẻ em, hàng tấn ma túy bị thu giữ

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, nắng nóng gay gắt lan rộng khắp cả nước làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, dư luận và mạng xã hội cũng liên tục "nóng" với các vụ dâm ô trẻ em cùng hàng tấn ma túy bị thu giữ.

Phiên họp thứ 33 của UBTV Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 19/4. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Bế mạc Phiên họp thứ 33 của UBTV Quốc hội
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) (diễn ra từ ngày 10 - 19/4) đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 19/4.
Tại phiên họp này, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Đồng thời, cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội năm 2020; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.
UBTV Quốc hội đã xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách Trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể một xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập TP Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai...
Thủ tướng Romania Viorica Dancila đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt tới 2 nước châu Âu của Thủ tướng
Trưa 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech.
Trong chuyến thăm 4 ngày tới 2 nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc bận rộn với gần 30 hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, gồm các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của hai nước (hội đàm với Thủ tướng, hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện); gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bà con kiều bào, thăm và làm việc tại địa phương. Tại mỗi nước, các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra thẳng thắn, chân thành, hiệu quả, đi vào thực chất, thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Romania, Cộng hòa Czech.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Romania, Cộng hòa Czech, gặp mặt Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu (đại diện cho cộng đồng tại 17 nước châu Âu). Ngoài thông báo tình hình đất nước, Thủ tướng đã chia sẻ với bà con kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm, nhất là kết quả hội đàm, trong đó, lãnh đạo các nước đều đánh giá cao cộng đồng người Việt, khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc. Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào, trong đó có cộng đồng 500 người Việt tại Romania và cộng đồng 70.000 người Việt tại Cộng hòa Czech (được Cộng hòa Czech công nhận là một trong 14 cộng đồng dân tộc thiểu số) luôn hướng về Tổ quốc; cộng đồng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là giữ gìn văn hóa, dạy tiếng Việt cho con cháu.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần tiếp nối và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước bạn bè Đông Âu, tạo xung lực mới thúc đẩy toàn diện các quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, đồng thời, với tình cảm chân thành, hữu nghị hợp tác cùng nhau, cả hai nước Romania và Cộng hòa Czech đều thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU, nhất là thúc đẩy việc ký EVFTA và EVIPA.
Lần đầu tiên xe F1 chạy tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tú
Hà Nội xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất cho Giải đua F1
Tối 20/4, tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Sở VH&TT Hà Nội, Công ty Việt Nam Grand Prix (VGPC) cùng Heineken Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện "Khởi động Formula 1 Việt Nam Grand Prix".
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao tầm quan trọng của Giải đua Formula 1 Việt Nam Grand Prix đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Phó Chủ tịch UBND TP nhận định, đây là một trong những giải thi đấu thể thao lớn và danh giá nhất hành tinh, F1 sẽ nâng tầm và định vị Hà Nội là một TP toàn cầu và điểm đến lý tưởng để tận hưởng những trải nghiệm đẳng cấp quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình, lần đầu tiên người dân Thủ đô được chiêm ngưỡng màn trình diễn tốc độ đẳng cấp của những chiếc xe đua F1 thực thụ của đội đua Aston Martin Red Bull cùng tay đua F1 huyền thoại David Coulthard.
Nhân dịp này, Công ty Việt Nam Grand Prix công bố chính thức mở bán lần đầu với số lượng giới hạn chỉ 5.565 vé xem Giải đua Formula 1 Việt Nam Grand Prix sẽ diễn ra vào tháng 4/2020 - đúng bằng chiều dài đường đua Công thức 1 Hà Nội là 5.565m.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiểm tra tiến độ, chất lượng các hạng mục công trình chuẩn bị cho Giải đua xe Công thức 1

Trước đó vào ngày 15/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và ông Chase Carey - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Formula One đã cùng trao đổi về một số vấn đề liên quan tới công tác tổ chức Giải đua xe Công thức 1.

Chia sẻ về lần đầu tiên được đến thăm trường đua (sáng 15/4), ông Chase Carey bày tỏ ấn tượng về tiến độ thực hiện dự án. Theo ông, chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Hà Nội đã nỗ lực xây dựng trường đua và đạt thành quả đáng tự hào.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết xây dựng toàn bộ hạ tầng phục vụ cho giải đua một cách tốt nhất theo tiêu chuẩn mới của Liên đoàn ô tô thế giới FIA.
Hà Nội cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng về công tác vận chuyển, thủ tục hải quan, xem xét tạo điều kiện miễn thị thực cho người hâm mộ một số quốc gia sang xem thi đấu… để khán giả đến với giải đua một cách thuận lợi nhất.
Nhân đây, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị phía Tập đoàn Formula One tạo điều kiện để Hà Nội tham gia học hỏi kinh nghiệm tổ chức giải đua. Trong đó, phía Hà Nội được kết nối với các DN tổ chức giải đua trên toàn thế giới, từ đó, Hà Nội tổ chức giải đua một cách đồng bộ và tận dụng các thế mạnh của nhau, tạo nên giải đua F1 tại Hà Nội một cách hoàn hảo. Chủ tịch UBND TP Hà Nội sáng kiến tổ chức hội nghị kết nối, với sự tham gia của thị trưởng các TP đăng cai và các đơn vị tổ chức giải đua.
Nắng nóng tại Hà Nội ngày 20/4. Ảnh: Công Hùng.
Nắng nóng gay gắt lan rộng khắp cả nước
Trong tuần này, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nền nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36 - 39 độ; cá biệt có địa phương gần 44 độ C, như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 43.4 độ C, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43.0 độ C (chỉ số đo ngày 20/4).
Các chuyên gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Học sinh uống sữa học đường tại trường Tiểu học Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Bà Mai Kiều Liên: Chương trình sữa học đường, thương hiệu Vinamilk đang bị bôi nhọ
Sáng 19/4, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Bên cạnh việc những kết quả, định hướng kinh doanh năm 2019, nhiều cổ đông cũng như giới truyền thông rất quan tâm đến "lùm xùm" thời gian gần đây của Vinamilk liên quan đến chương trình sữa học đường.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên khẳng định Vinamilk làm đúng và "chúng tôi không sợ".

"Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến. Ai làm ảnh hưởng đến thương hiệu Vinamilk thì phải chịu trách nhiệm. Tôi nhấn mạnh là Vinamilk luôn cạnh tranh lành mạnh. Điều gì có biểu hiện vi phạm thì chúng tôi có bộ phận pháp lý xử lý và mời cơ quan chức năng xử lý.
Vinamilk là thương hiệu của 100 triệu dân Việt Nam. Chúng tôi cam kết với cổ đông là không làm gì trái luật. Họ nói thì chúng tôi không để tâm, nhưng động đến thương hiệu, vu khống Vinamilk thì phải xử lý", bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 11/4, Vinamilk đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng khẳng định những sản phẩm do DN cung cấp cho học sinh trong chương trình Sữa học đường hoàn toàn phù hợp với yêu cầu chất lượng đã quy định, đồng thời cho biết sản phẩm của DN cung cấp 14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua nghiên cứu lâm sàng và có bằng chứng khoa học.
Liên quan đến vụ việc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/4: Đến nay, tỷ lệ học sinh uống sữa theo chương trình tại Hà Nội đạt gần 90% và được học sinh, phụ huynh đều ủng hộ.
Công ty Gang thép Thái Nguyên
Bắt 5 bị can liên quan vụ gang thép Thái Nguyên
Trong tuần này Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang khẩn trương tiến hành điều tra xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).
Căn cứ tài liệu điều tra xác minh thu thập được, ngày 18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty TISCO.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cùng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 5 đối tượng, gồm:
Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Thép Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TISCO về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty TISCO về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung lực lượng, tiến hành điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.
Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh ôm hôn bé gái được camera trong thang máy ghi lại vào ngày 1/4.
Khởi tố các vụ dâm ô trẻ em gây xôn xao dư luận
Ngày 21/4, Sau quá trình thu thập các chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP Hồ Chí Minh), đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, nguyên Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là vụ án được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.
Thông tin thêm về quá trình điều tra vụ án tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 19/4, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Trong vụ việc này, chứng cứ rất quan trọng, cần trích xuất dữ liệu camera, vì cháu bé ở tuổi còn nhỏ. Khi trích xuất camera phải phóng đại ra, phân tích từng chi tiết một, để công an làm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thực sự khách quan.
Cùng ngày (21/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Phúc (SN 1978, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi.
Tang vật thu giữ trong chuyên án VA - 319MT tại Nghệ An
Liên tiếp triệt phá các đường dây ma túy lớn
Chỉ trong vòng 3 ngày (15 - 17/4/2019), Công an tỉnh Nghệ An đã liên tiếp bắt giữ, triệt phá các đường dây ma túy với số lượng thu được lên tới hơn 1 tấn. Một điểm chung trong các vụ án này là các đối tượng đã sử dụng các thùng loa đài để ngụy trang, cất giấu ma túy. Cách thức này tương đồng với băng nhóm hơn 1,1 tấn vừa bị bắt ở TP Hồ Chí Minh trước đó nên cơ quan công an đặt giả thuyết có chung một đường dây.
Từ những đường dây ma túy lớn bị triệt phá trong thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: Các đối tượng lợi dụng địa bàn Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng để trung chuyển ma túy đi các nước, chủ yếu thông qua xuất nhập hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam, sau đó chuyển sang vận chuyển đường biển đi các nước.
Về hàng hóa chúng thường dùng để ngụy trang là đóng gói bao bì các loại trà, cà phê, hạt nhựa, block linh kiện điện tử, bỏ vào loa thùng… Trong đó, đối tượng chủ yếu là người gốc Hoa, mang hộ chiếu Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, thường chỉ nhập cảnh vào Việt Nam vài 3 lần thăm dò và thực hiện vận chuyển, những người Việt Nam được thuê thường không biết hàng hóa có ma túy.
Địa điểm cất giấu thường được đối tượng thuê mướn các nhà xưởng ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng, có thể chúng lựa chọn nơi kín đáo hoặc sau khi thuê tiến hành che chắn cho kín.
Từ một số đặc điểm trên, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân, nhất là người có kho bãi, nhà xưởng cho thuê, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xuất nhập khẩu, logicstic, công nhân lao động trong khu vực này nâng cao cảnh giác, phát hiện, giúp lực lượng công an ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Khi phát hiện những dấu hiệu như trên phải báo ngay cho lực lượng công an nơi gần nhất hoặc công an quận, huyện, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an TP. Tuyệt đối không nên tự tiêu hủy tang vật nghi ma túy mà không báo công an.