Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; bãi nhiệm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; 4 trẻ sơ sinh bị tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chiều 24/11, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, tình hình trong nước chịu tác động ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, lũ lụt. Là kỳ họp cuối năm, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức phấn đấu hoàn thành 13 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
Song, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại trong một số ngành, lĩnh vực; đánh giá nguyên nhân của mặt được và chưa được; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành phải có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì mới có thể hoàn thành được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Với sự nhất trí và quyết tâm chính trị cao, Quốc hội đã quyết định thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Trong số các vấn đề được thảo luận và quyết định tại kỳ họp, ngoài các nội dung như thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn…, dư luận đặc biệt quan tâm tới những quyết sách lớn mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng và hoàn thiện thể chế - hai trong số ba khâu đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định.
Về cơ sở hạ tầng, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện các yếu tố và thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây đều là những dự án hạ tầng rất lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước ta trong thời gian tới.
Trong khi đó, những quyết sách mang tính đột phá về thể chế mà Quốc hội thảo luận và thông qua có thể chia thành hai nhóm lớn.
Nhóm quyết sách thứ nhất liên quan tới việc hoàn thiện nền tảng thể chế, chính sách chung cho cả nước. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 6 luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Nhóm quyết sách lớn thứ hai về thể chế mà Quốc hội thảo luận, thông qua cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt khi đặt ra vấn đề xây dựng cơ chế đặc thù cho một số địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã làm nức lòng người dân TP lớn nhất cả nước, đồng thời nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri cả nước và các chuyên gia.
97,95% đại biểu bãi nhiệm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Các đại biểu biểu quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND TP đối với ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh Dân trí.

Sau phiên thảo luận kín, các đại biểu Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng tham dự cuộc họp thứ 5 (bất thường) của HĐND TP Đà Nẵng sáng 24/11 đã biểu quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Ghi nhận tại cuộc họp, 100% đại biểu HĐND TP có mặt nhất trí bãi nhiệm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh; đạt tỷ lệ 97,95% so với tổng số 49 đại biểu HĐND TP Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh, đại biểu HĐND thành phố khoá IX nhiệm kỳ 2016 - 2021, đạt tỷ lệ 100% so với 48 đại biểu có mặt tại Cuộc họp; đạt tỷ lệ 97,95% so với tổng số 49 đại biểu HĐND TP Đà Nẵng. Trong cuộc họp sáng 24/11 của HĐND TP Đà Nẵng, chỉ có một người vắng mặt là ông Nguyễn Xuân Anh.
Trước đó, ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2016 - 2021, do bị kỷ luật về Đảng theo Quyết định ngày 4/10/2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện
Hội đồng chuyên môn nêu kết luận tại buổi họp báo chiều 21/11
Ngày 21/11/2017. Hội đồng chuyên môn thành lập theo Quyết định số 686/QĐ-SYT ngày 21/11/2017, tiến hành họp tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Hội đồng tiến hành nghiên cứu, xem xét toàn bộ quá trình tiếp đón, khám, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc 4 cháu bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi ngày 20/11/2017.

Hội đồng tiến hành nghiên cứu, xem xét toàn bộ quá trình tiếp đón, khám, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc 4 cháu bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi ngày 20/11/2017.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án, Biên bản họp Hội đồng chuyên môn và báo cáo của Bệnh viện Sản Nhi. Các thành viên hội đồng tiến hành thảo luận, phân tích hồ sơ bệnh án, quá trình tiếp nhận, theo dõi, chẩn đoán, chỉ định, điều trị, chăm sóc các cháu bé; đánh giá toàn bộ quy trình chuyên môn; ý kiến của cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị, cấp cứu tại Đơn nguyên Sơ sinh, Khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi. Hội đồng chuyên môn thống nhất kết luận như sau:

Bệnh nhân: V.T.P. sinh ngày 13/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 34 tuần, cân nặng khi sinh 2100 gram, trên bà mẹ sản giật, theo dõi Hội chứng Hellp. Chỉ định mổ lấy thai cứu mẹ là phù hợp.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh (thở rên, rút lõm lồng ngực, nhịp thở 62 lần/phút), tim đều, phản xạ sơ sinh có, bụng mềm. Chẩn đoán: Đẻ non- suy hô hấp. Trẻ đã được xử trí theo đúng phác đồ: thở CPAP, bù đường, nuôi dưỡng và theo dõi lâm sàng và xét nghiệm.

Đến ngày 16/11, trẻ vẫn tiếp tục được thở CPAP, xét nghiệm có toan chuyển hóa nhẹ; chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn sơ sinh được chỉ định sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch. Đến ngày 19/11/2017, trẻ tình trạng nặng hơn, có biểu hiện da tái, phù cứng bì chi dưới, nhịp tim nhanh, xét nghiệm thấy các chỉ số nhiễm khuẩn trong máu tăng, tiểu cầu giảm, trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, truyền khối tiểu cầu, bù dịch nhanh, cho thuốc vận mạch. Trẻ diễn biến nặng, suy tuần hoàn, không đáp ứng điều trị.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: V.H.Đ sinh ngày 12/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 34 tuần, đẻ mổ vì ngôi ngược, trọng lượng khi sinh 2300 gram. Chỉ định mổ lấy thai là phù hợp.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, chẩn đoán: Đẻ non- suy hô hấp. Trẻ đã được xử trí theo đúng phác đồ: thở CPAP, bù đường, nuôi dưỡng, kháng sinh tĩnh mạch, theo dõi lâm sàng và xét nghiệm theo đúng phác đồ.

Ngày 15/11/2017, trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn tăng lên, đã được xử lý phù hợp theo phác đồ.

Trẻ tiếp tục diễn biến nặng, ngày 19/11/2017, trẻ sốt cao, da tái, nhịp tim nhanh, xét nghiêm khí máu toan chuyển hóa, tiểu cầu giảm, bạch cầu tăng. Trẻ đã được xử trí chống sốc: Đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, thuốc vận mạch, bù tiểu cầu. Trẻ diễn biến nặng nhanh, có suy tuần hoàn, cấp cứu chống sốc không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: V.Đ.C, sinh ngày 13/11/2017 - Trẻ đẻ non, thai 31-32 tuần, cân nặng khi sinh 1600 gram, mẹ có tiền sử viêm âm đạo.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, đã được xử trí tại đơn nguyên sơ sinh tích cực theo đúng phác đồ.

Ngày 16/11/2017, trẻ tiếp tục được thở CPAP, diễn biến nhiễm khuẩn tăng, kết quả xét nghiệm: Bạch cầu giảm, toan chuyển hóa, đã được xử trí đổi kháng sinh và theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn.

Ngày 19/11/2017, trẻ diễn biến nặng hơn, nhịp tim nhanh, dịch dạ dày bẩn, xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu. Trẻ đã được điều trị chống sốc: Đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, thuốc vận mạch, bù tiểu cầu. Trẻ diễn biến nặng nhanh, có suy tuần hoàn, cấp cứu chống sốc không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân: Ng.H.V sinh ngày 16/11/2017 - Trẻ là con thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF, thai 35-36 tuần, mổ đẻ vì thai suy, mẹ có tiền sản giật, bất thường động mạch tử cung, chỉ định mổ lấy thai là đúng. Thai suy dinh dưỡng, cân nặng khi sinh 1600 gram.

Sau đẻ trẻ suy hô hấp sơ sinh, đã được xử trí tại đơn nguyên sơ sinh theo đúng phác đồ.

3h ngày 20/11/2017 trẻ tình trạng nặng, diễn biến suy hô hấp tăng, xét nghiệm có tình trạng nhiễm khuẩn (xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm).

Trẻ đã được tiến hành chống suy hô hấp: Đặt nội khí quản, thở máy. Điều trị chống sốc: Bù dịch, thuốc vận mạch.

Trẻ diễn biến nặng nhanh, suy hô hấp, suy tuần hoàn điều trị không hiệu quả.

Hội đồng kết luận: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh.

Hội đồng kết luận, bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp; Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực.
Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại Bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện. Về nguyên nhân chính thức thì còn phải chờ kết luận của Viện khoa học hình sự Bộ Công an.
Bộ Công an vào cuộc điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba
Bộ Công an vào cuộc điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba
Ngày 23/11, một tổ công tác của Bộ Công an đang tiến hành làm việc với các Sở ngành tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Một lãnh đạo của Sở Xây dựng TP.HCM cũng xác nhận đã yêu cầu Thanh tra Sở kiểm tra, phối hợp với cơ quan công an để xử lý vụ việc theo quy định.
Việc tổ công tác của Bộ công an vào cuộc ở 3 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vì nơi đây có các dự án mà các công ty trực thuộc địa ốc Alibaba đang rao bán cho khách hàng. Theo nhận định, việc thực hiện "đặt chỗ dự kiến" mà công ty Alibaba đang thực hiện với khách hàng tại những các khu đất chưa giải toả, chưa có chủ đầu tư là trái với quy định.
Hiện công ty Alibaba đang rao bán hàng loạt “dự án” mang tên Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Không chỉ "tác oai, tác quái" thị trường bất động sản Đồng Nai, công ty Alibaba tiếp tục "đánh chiếm" phân khúc đất nền ở khu vực Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM. Alibaba tự xưng là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM...

Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác cán bộ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Sáng 22/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương (T.Ư) 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cũng đánh giá Thành ủy Hà Nội đã quán triệt sâu sắc quan điểm, Nghị quyết của Đảng về chiến lược cán bộ, đặc biệt đã vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, kết luận của T.Ư trong giai đoạn đặc thù hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây, làm tốt công tác tổ chức cán bộ, giúp Hà Nội phát triển và ổn định như hiện nay.

“Các đồng chí đã chứng minh việc hợp nhất là chính xác. Trong đó, khó nhất là tổ chức, cán bộ vì động chạm đến lợi ích mỗi người, nhưng TP đã làm rất tốt. Bên cạnh công tác tư tưởng, nhiều cán bộ cũng sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung, nên dù thay đổi nhiều cán bộ, nhưng đồng thuận cao, không có khiếu kiện”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đánh giá và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm quan trọng cho công tác tổ chức cán bộ.

Phân tích sâu về vai trò, vị trí Thủ đô, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với thuận lợi, Hà Nội cũng gặp nhiều áp lực khi “làm việc gì đều tác động lớn đến cả nước, dù chỉ việc nhỏ nhưng dễ bị nhiều người soi xét”. Nhưng thời gian qua, bằng sự đồng thuận, thống nhất cao, TP đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Như việc tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết 39, dù khó, dù “động chạm”, vì “nhìn đâu cũng thấy có thể giảm được, nhưng là giảm chỗ khác, chứ không phải chỗ tôi”, tuy nhiên kết quả bước đầu của Hà Nội là rất quan trọng.

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, những thành công đó có được là nhờ Thành ủy đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo về công tác tổ chức xây dựng Đảng. TP đã lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm; ban hành các quy định về đánh giá, phân loại, bổ nhiệm cán bộ; kịp thời tháo gỡ bất cập về công tác cán bộ. Từ đó, Hà Nội đã đạt những kết quả ban đầu đáng trân trọng trong thực hiện Nghị quyết số 39; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ… Đến nay, đội ngũ cán bộ từ TP đến cơ sở đều trưởng thành, lớn mạnh, công tác cán bộ đi vào nền nếp.

Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp Thành ủy đề ra, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thích ứng với điều kiện mới khi đất nước phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh; cách mạng 4.0 và hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi cán bộ, công chức phải thành thạo tin học, ngoại ngữ để trở thành những công dân quốc tế.

Đồng thời, TP cũng cần quan tâm không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp trong công tác cán bộ... cần bám sát Kết luận số 22 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39, nhất là Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Hà Nội cần sớm tổng kết một số mô hình mới, có tính chất sáng tạo, phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng.