Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bắt đầu một tuần làm việc vào sáng 4/10. Hội nghị dự kiến kéo dài tới hết 10/10. Một trong những nội dung sẽ được chờ đợi tại hội nghị lần này là cuộc thảo luận về vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.Yêu cầu đề ra là tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định và điều chỉnh hợp lý hơn...Thực tế, tổ chức bộ máy trong chính các cơ quan Đảng được xác định là chưa thật tinh gọn. Một số ban, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan chuyên môn của Nhà nước; còn một số tổ chức đảng không có chính quyền cùng cấp, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và không quyết định về công tác cán bộ nên vai trò lãnh đạo bị hạn chế.Một số ban chỉ đạo còn có một số nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy ở các cấp vẫn còn cao và chất lượng không đồng đều, cơ cấu chưa thật hợp lý.Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, Ban cán sự đảng Chính phủ đã được giao chuẩn bị Đề án về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đề án được xây dựng theo hướng đẩy mạnh tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.Ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy: Trên cương vị người đứng đầu cấp ủy TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy; cá nhân đồng chí đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Trong diễn biến mới nhất, sáng 7/10, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã xem xét kỹ lưỡng, khách quan, toàn diện, cân nhắc nhiều mặt, các phương án kiện toàn, phân công và đã thống nhất cao việc phân công ông Trương Quang Nghĩa tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020.Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa là cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng; có kiến thức, chuyên môn phù hợp với yêu cầu lãnh đạo và nhiệm vụ chính trị của TP Đà Nẵng.Tại Phiên khai mạc Cuộc họp lần thứ 57 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 2/10 tại Geneva (Thụy Sĩ) , Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO năm nhiệm kỳ 2018-2019.
Đây là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam, thể hiện uy tín của Việt Nam tại diễn đàn đa phương như WIPO, là kết quả của việc thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.Với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng WIPO, Đại sứ Dương Chí Dũng sẽ trực tiếp điều hành Phiên họp Đại hội đồng WIPO năm nay, cụ thể sẽ điều hành và kiểm soát các quy trình, thời lượng và danh sách các nước thành viên tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan, điều hành và kiểm soát quy trình bỏ phiếu của các nước thành viên và công bố quyết định khi có kết quả bỏ phiếu, tuyên bố kết thúc Phiên họp,...Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Đại hội đồng năm nay - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, việc Đại sứ Dương Chí Dũng của Việt Nam trúng cử vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 là một vinh dự cho Việt Nam nói chung và riêng cá nhân Đại sứ Dương Chí Dũng.Việc lần đầu tiên trúng cử vào vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam tại diễn đàm WIPO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.Việc trúng cử Chủ tịch Đại hội đồng WIPO sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác vốn đã rất tốt đẹp với WIPO và các đối tác quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, qua đó có thể học hỏi kinh nghiệm cũng như tận dụng sự trợ giúp từ phía bạn để góp phần nâng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, tạo động lực cho hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo.Ngày 5/10, phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga cùng 9 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4. Luật sư đã hỏi Châu Thị Thu Nga về khoản tiền hàng chục tỷ Nga khai dùng để "chạy" đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tại tòa, hai lần bị cáo Nga xin được khai nhận nhưng chủ tọa đã không chấp nhận để bị cáo nói với lý do công an đang điều tra.
Theo cáo trạng, ngoài các dự án làm phim, Châu Thị Thu Nga còn đầu tư chi hơn 7,7 tỷ đồng đầu tư góp vốn cho công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Á Châu, chi 1,1 tỷ đồng mua cổ phần công ty cổ phần vận tải và thương mại Liên Việt; chi 650 triệu đồng mua cổ phần Tổng CTCP xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon).Tại tòa, bị cáo Châu Thị Thu Nga đề nghị rút lại cổ phần tại 3 công ty đã góp vốn kèm cổ tức được chia. Đại diện Vinaincon cho biết, năm 2011, Nga mua 62.300 cổ phần công ty, nộp 650 triệu đồng.Năm 2011 và 2016, công ty chi trả cổ tức cho cổ đông với số tiền lần lượt các năm là 25,4 triệu đồng và 31,1 triệu đồng. Số tiền lãi góp vốn 24 triệu đồng. Hiện số cổ tức này công ty đang tạm giữ. Trước đề nghị của bị cáo Nga xin rút lại cổ phần, sáng 5/10, đại diện Vinaincon không chấp thuận mua lại số cổ phần này.Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo xin xem xét lại các tội danh
Ngày 6/10, thông tin từ TAND TP Hà Nội, đơn vị này vừa tiếp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa sơ thẩm. |
Theo đó, đơn kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bị cáo này không phạm tội "Tham ô tài sản" và cũng không phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Cũng trong đơn kháng cáo gửi tới TAND TP Hà Nội, Nguyễn Xuân Sơn chỉ thừa nhận tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cụ thể, Nguyễn Xuân Sơn đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội sớm xem xét lại 2 tội danh chiếm đoạt tài sản cho bị cáo. Còn đối với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", cựu TGĐ Oceanbank cũng đề nghị ở phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ tiếp tục được xem xét về tính chất, mức độ phạm tội và áp dụng mức án nhẹ hơn.Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt cựu Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tù chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và 17 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt cả 3 tội danh nêu trên, HĐXX sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành mức án chung là tử hình.Về dân sự, TAND TP Hà Nội cũng buộc bị cáo này phải bồi thường, khắc phục hậu quả 200 tỷ đồng mà bị cáo này đã tham ô và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt.Cũng theo TAND TP Hà Nội, ngoài kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn, đơn vị này cũng đã nhận được đơn kháng cáo của Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980) - nguyên Giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước Ocenabank. Nội dung đơn kháng cáo của nữ bị cáo này là xin được giảm nhẹ hình phạt để được hưởng án treo. Trước đó, với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội cũng đã tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Thùy Dương 4 năm tù giam.