Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Đã khởi tố 83 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần; Đã khởi tố 83 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo địa phương... là tiêu điểm chú ý tuần qua.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần
Tiêu điểm tuần qua: Đã khởi tố 83 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ - Ảnh 1
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước, Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.

Trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.

Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh dấu bằng việc ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con"; trải qua nhiều vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO...

Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2014) để ghi nhận những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng.

Đã khởi tố 83 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Ngày 17/3, Bộ Công an chính thức thông báo thông tin ban đầu về vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP".
Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Thời gian trước đó, xuất hiện một số đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến qua hình thức cá độ hoặc trò chơi có tính chất cờ bạc (còn gọi là game bài). Trong số các game bài, nổi cộm nhất là Rikvip, sau đổi tên thành Tip.club, với tổ chức tinh vi, quy mô hoạt động lớn, thu hút hàng nghìn tỉ đồng và hàng triệu con bạc tham gia đánh bạc.

Rikvip bắt đầu hoạt động từ ngày 18/4/2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn; từ tháng 8/2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại và máy tính.

Để tham gia, con bạc tạo tài khoản và nạp tiền mua điểm ảo trong game, gọi là RIK, thông qua nạp thẻ viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone), nạp thẻ game (Zing, Gate, Vcoin, Megacard, GoCoin, Vcard), nạp từ tài khoản ngân hàng hoặc mua trực tiếp qua hệ thống đại lý.

Để con bạc nạp tiền chơi bạc, các đối tượng tổ chức đường dây đã thông qua các pháp nhân do chúng lập ra hợp tác với các cổng trung gian thanh toán (VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT và Giải trí số) để con bạc có thể sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào game bài (gọi chung là “gạch thẻ”); hợp tác với Cổng thanh toán quốc gia NAPAS để con bạc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng; phát hành thẻ game Vcard và Gocoin để con bạc nạp tiền chơi bạc.

Các đối tượng còn lập ra hệ thống đại lý nhiều cấp, gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.852 đại lý cấp 2, trên toàn quốc để con bạc nạp, rút tiền chơi bạc; việc giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua ngân hàng.

Trước thực trạng này, từ tháng 7/2016, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung công tác nghiệp vụ điều tra, xác minh và xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây tổ chức đánh bạc quy mô lớn trên không gian mạng, trong đó có Rikvip/Tip.club.

Quá trình đấu tranh chuyên án đã thu thập được nhiều tài liệu phản ánh hoạt động của đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip và các đối tượng liên quan, tháng 8/2017, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo chuẩn bị phá án. Trong thời điểm này, Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành điều tra vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn Phú Thọ và áp dụng biện pháp tố tụng đối với một số đối tượng liên quan đến đại lý cấp 1 nằm trong chuyên án của Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để phá án và đã quyết định giao Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Do vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, ngày 11/3, Đảng ủy Công an T.Ư đã báo cáo Ban Bí thư về vụ án và xin ý kiến về việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), trong quá trình điều tra đủ căn cứ xác định liên quan đến vụ án. Được sự đồng ý của Ban Bí thư, cùng ngày, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hóa về hành vi tổ chức đánh bạc.

Quá trình điều tra đến nay đã xác định: Đường dây tổ chức đánh bạc này do Phan Sào Nam (SN 1979, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC online); Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Hoàng Thành Trung (SN 1978, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, nguyên Trưởng phòng Công ty VTC công nghệ và nội dung số - VTC Intecom) bàn bạc thực hiện.

Trong đó, Nam và Dương có vai trò chủ mưu, cầm đầu; Hoàng Thành Trung có vai trò thực hành. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng cầm đầu có sự giúp sức tích cực của rất nhiều đối tượng.

Tính đến ngày 16/3, Cơ quan điều tra đã khởi tố 83 bị can, trong đó một số bị can bị khởi tố 2 tội danh, gồm 41 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can về tội đánh bạc, 4 bị can về tội mua bán hóa đơn trái phép, 2 bị can tội rửa tiền và 1 bị can tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can, truy nã 08 bị can đang bỏ trốn.

Tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý. Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng (chiếm 97%); tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng (chiếm 1,75%).

Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỷ đồng. Số tiền 9.583,2 tỷ đồng thu được qua các cổng thanh toán sẽ được phân chia cho các DN.

Ước tính, DN viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng;DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán khoảng 258,4 tỷ đồng; nhóm Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Nam và Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng; 2.645 tỷ đồng trả thường cho con bạc. Sau khi chiếm hưởng, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…

Đến nay, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá 1.238,8 tỷ đồng (gồm 1.046,2 tỷ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỷ đồng) và 12 xe ô tô (chưa định giá).

Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ chức năng của Bộ phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra và mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng truy nã, thu hồi tài sản do phạm tội mà có và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có liên quan đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục điều tra, xử lý các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến khác.

Trong quá trình điều tra cho thấy, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các DN viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%. Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.

Các cổng trung gian thanh toán và việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn lỏng lẻo, các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụđể con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài.

Để thắt chặt những lỏng lẻo này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đồng thời, đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo địa phương
Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Trong hai ngày 12 - 13/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 23 trong đó nêu kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo thông báo, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chưa kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; thực hiện Quy chế làm việc với nội dung chưa đầy đủ; có thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong việc quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài.

Ngoài ra, một số dự án đầu tư trên địa bàn có sai phạm từ nhiệm kỳ trước, nhưng chưa giải quyết triệt để, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Trước những vấn đề trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Phú Cường và ông Trần Văn Tư nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên.
Đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ngoài những vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận tại kỳ họp 15 và đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, qua kiểm tra lần này cho thấy, bà Thanh còn có những vi phạm, khuyết điểm: Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương), bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Với ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra một số vi phạm, khuyết điểm: Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2006 - 2011, ông Thái đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định.
Với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Thái đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản trái pháp luật liên quan đến một số dự án.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xét thấy, những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh Quốc Thái đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG
 Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG
Chiều tối 14/3, Thanh tra Chính phủ chính thức công khai kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ Mobifone để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính kinh doanh của công ty AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn xác định giá trị DN AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập DN; nghiệm thu và sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TT&TT phê duyệt dự án đầu tư, ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.
Cụ thể, thiếu trách nhiệm và làm trái trong việc đề xuất Dự án đầu tư, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty AVG.

Thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị DN để mua bán cổ phần là rất khó khăn.
Tại thời điểm xác định giá trị DN năm 2015 là rất xấu, tổng tài sản là 3.260,686 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng, vốn đầu tư ra ngoài DN chiếm tỉ trọng lớn (đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài DN 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ).
Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với số tiền 2.473,2 tỷ đồng (bình quân cao gấp 13 lần so với vốn đầu tư ban đầu của các cổ đông là 189,6 tỷ đồng, các cổ đông này đã thanh toán bù trừ với việc mua cổ phần do AVG phát hành để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của 2 công ty này cũng là cổ đông của AVG).
Trong số đó, khoản đầu tư 673,2 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 3,96 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (giá chuyển nhượng 170.000 đồng/cổ phần, cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính khu đất tại Hà Đông mà Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản, thực tế chưa triển khai, khu đất vẫn đang thuê của Nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp.
Khoản đầu tư 1.800 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần An Viên B.P (giá chuyển nhượng 120.000 đồng/cổ phần, cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng Bouxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước, thực tế đến nay, Công ty cổ phần An Viên B.P chưa được cấp quyền khai thác boxit.
Việc AVG đầu tư 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường, nhưng Mobifone vẫn mua 2 khoản đầu tư này, cần được tiếp tục làm rõ.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Mobifone làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị DN trong đàm phán mua cổ phần AVG.
Trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập DN, Mobifone đã có những khuyết điểm, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu...
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, hủy bỏ Quyết định số 236/2015 Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Bộ TT&TT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Về xử lý kinh tế, kết luận nêu rõ: Bộ TT&TT cùng Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Truy thu từ Mobifone, nộp vào ngân sách nhà nước về thuế thu nhập DN số tiền 1,3 tỷ đồng. Chủ tịch HĐTV; TGĐ và Phó TGĐ phụ trách tài chính - kế toán của Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 2 công ty tư vấn.
Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.