Mít Thái giảm giá mạnh
Gần đây giá trái mít Thái tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã giảm thêm khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua.
Cụ thể, giá mít Thái loại 1 đang được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái và các vựa thu mua mít ở mức 21.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi trước đây đạt mức giá lên đến 56.000 - 60.000 đồng/kg vào hồi tháng 8/2023.
Hiện mít Thái loại 2 ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, loại 3 khoảng 5.000 đồng/kg.
Giá mít giảm do tiểu thương và doanh nghiệp giảm hoạt động thu mua vì đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với trước. Dù vậy, nhìn chung giá mít Thái vẫn đang ở mức cao so với nhiều loại trái cây khác và nhiều nông dân trồng mít vẫn có được nguồn thu nhập khá tốt từ loại cây trồng này.
Giá ớt tăng vọt
Ông Phan ở Gia Lai cho biết vừa bán một tạ ớt chỉ thiên giá 30.000 đồng/kg, thu 3 triệu đồng. Nếu giá tiếp tục duy trì mức tốt, gia đình ông có thể thu 30 triệu đồng trong vụ này.
Tương tự, ông Thành - người sở hữu 0,5 ha ớt ở Tiền Giang - vừa bán mỗi kg ớt với giá 32.000 đồng. "Tôi vừa thu hoạch 3 tấn ớt thu về 96 triệu đồng. Từ nay đến cuối vụ, vườn nhà tôi có thể hái thêm 2 tấn. Nếu duy trì mức giá này, năm nay gia đình có lãi khoảng 100 triệu đồng", ông Thành nói.
Ông Vũ Tuấn, thương lái chuyên thu mua ớt ở các tỉnh miền Tây, cho biết ớt xiêm đang có giá rất cao vì mùi thơm và vị cay đặc trưng. Ngoài ra, loại này có nhu cầu cao trên thị trường. Nếu Trung Quốc không mua, chúng sẽ được bán cho các cơ sở chuyên chế biến ớt tương, ớt bột chế biến.
"Tôi đang bán giá sỉ 35.000 - 38.000 đồng/kg. Còn giá bán lẻ 45.000 - 50.000 đồng", ông Tuấn cho hay.
Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh so với vụ trước do đang vào mùa mưa bão, sản lượng thấp, chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá đi lên.
Với mức giá ổn định như hiện nay, người nông dân có thu nhập trên 300 - 350 triệu đồng mỗi ha một năm (chưa trừ chi phí).
Cua biển, tôm thẻ đồng loạt tăng giá
Bà Trần Thị Trắc có hơn 2,5ha nuôi cua biển ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, sau hơn 5 tháng, giá cua giảm xuống mức thấp, chỉ còn khoảng 350.000 đồng/kg đối với cua gạch, 200.000 đồng/kg với cua y, bà đã giảm diện tích nuôi chỉ còn khoảng 50%.
“Cua thả lan, khoảng 1 tuần mua cá cho ăn một lần nên cũng không tốn nhiều chi phí. Nhưng giá bán thấp, tôi đã chọn xử lý hơn 1ha ao để thả nuôi khi giá tăng trở lại”, bà Trắc cho biết thêm.
Theo bà Trắc, giá bán từ đầu tháng 10 đến nay đã tăng trở lại, đối với cua gạch, bà đang bán với giá từ 380.000 - 400.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg; cua thịt bán từ 220.000 - 240.000 đồng/kg tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg so với tháng 4/2023.
Còn tại thị xã Duyên Hải, anh Nguyễn Minh Trung đang bán tôm thẻ với mức giá từ 80.000 - 140.000 đồng tùy loại, anh mừng vì giá đã bắt đầu tăng, bù vào phần thua lỗ của đợt xuất tôm tháng 6/2023.
“Thời điểm giá tôm thấp, tôi lỗ hơn 1 tỉ đồng nhưng vẫn thả nuôi đợt tiếp theo để được bán với giá cao. Hiện nay, tôm thẻ tùy loại có giá bán tăng từ 5.000 - 30.000 đồng/kg”, anh Trung nói.
Bà Lê Thị Hạnh - chủ đại lý thu mua hải sản tại huyện Duyên Hải - cho biết, hơn 1 tuần nay mỗi ngày, bà xuất hơn 10 tấn cua biển, tôm thẻ kịp giá cao để nông dân thêm vui. “Cua biển, tôm thẻ tăng giá được đồng nào là thêm mừng cho bà con nông dân đồng đó. Bà con còn nuôi cua, nuôi tôm thì mình còn tiếp tục làm thương lái”, bà Hạnh chia sẻ.
Theo bà Hạnh, giá cua biển, tôm thẻ tăng do tháng 4 giá cả thấp, người nuôi hạn chế thả nuôi. Đến tháng 10 thu hoạch thì sản lượng không nhiều, cung nhỏ hơn cầu, dẫn đến giá tăng.
“Vào đầu tháng 10, nhu cầu tại thị trường TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu cua biển, tôm thẻ khởi sắc nên giá có tăng nhưng chưa cao. Theo kinh nghiệm hơn 20 năm làm thương lái, giá tôm thẻ, cua biển sẽ bắt đầu tăng từ nay đến Tết Nguyên đán”, bà Hạnh cho biết thêm.
Bánh Trung thu đại hạ giá hút khách
Theo ghi nhận, sau Rằm tháng 8 (Âm lịch), các ki-ốt bán bánh Trung thu đều tháo dỡ, trả lại mặt bằng; một số hãng thu hồi bánh khi đại lý không bán hết. Thế nhưng tại nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh như Cách Mạng Tháng Tám, 3 tháng 2, Phạm Văn Đồng…, một số ki-ốt vẫn hoạt động.
Những biển quảng cáo đều niêm yết mức giá mới, chỉ từ 20.000 - 35.000 đồng/cái. Thậm chí, với bánh dẻo hay loại có trọng lượng nhỏ, giá chỉ còn 10.000 đồng/cái.
Điểm chung tại các điểm bán này là những chiếc bánh được bóc rời ra khỏi hộp, để trong các rổ nhựa. Các loại bánh được phân loại theo thương hiệu, kích cỡ, hương vị…, hạn sử dụng đa số còn 10-15 ngày.
“Sau khi áp dụng bán mức giá mới, mỗi ngày chúng tôi bán khoảng hơn 1.000 chiếc, mức giá dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/cái (tuỳ loại). Đây đều là bánh còn hạn sử dụng của các thương hiệu chúng tôi bán còn tồn sau Tết Trung thu” - anh Hưng - nhân viên một điểm bán bánh trên đường 3 tháng 2 chia sẻ.
Anh Lê Quốc Huy (20 tuổi) cho biết: “Vì còn là sinh viên, nên khi bánh Trung thu còn nguyên giá, mình không thể mua. Những ngày qua, thấy nhiều điểm bán bánh đại hạ giá, còn 20.000 - 25.000 đồng, mình cũng mua ăn thử”.
Giá xăng giảm gần 1.000 đồng/lít
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 2/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 giảm 695 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 906 đồng/lít; Dầu diesel giữ nguyên; Dầu hoả giữ nguyên; Dầu mazut giảm 395 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.502 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 24.842 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.594 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 23.816 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 17.452 đồng/kg.