Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu dùng trong tuần (từ 10-16/7/2023): Nhiều hàng hóa tăng giá mạnh

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, thịt heo, sầu riêng... đồng loạt tăng mạnh.

Giá vàng, rau xanh, thịt heo, sầu riêng... đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa  
Giá vàng, rau xanh, thịt heo, sầu riêng... đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa  

Giá vàng tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.954 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Sau khi hàng loạt thông tin kinh tế tại Mỹ được công bố, như GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và báo cáo việc làm đầy tích cực đã khiến đồng USD lao dốc trong tuần qua, mất đến hơn 2%, do đó giới đầu tư đẩy mạnh mua kim loại quý.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần, một số chuyên gia phân tích cho rằng kinh tế tăng trưởng tích cực sẽ không hỗ trợ nhiều cho vàng, vì đó là tài sản phòng ngừa rủi ro, không mang tính sinh lời.

Đồng thời với đó, đồng USD quay đầu mạnh lên trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đảo chiều tăng hơn 0,19% so với phiên sáng qua, lên mức 99.960 điểm.

Những động thái trên khiến giới đầu tư quay lại chốt lời vàng. Tuần qua, giá vàng thế giới có 4 phiên tăng, 2 phiên giảm. Trong đó 3 phiên giữa tuần đã tăng mạnh do đồng USD lao dốc. Kết tuần, giá vàng thế giới tăng mạnh 30 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Chuyên gia nhận định, giá vàng sẽ chịu áp lực sau hơn 1 tuần nữa khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp vào ngày 24-25/7. Dự kiến Fed sẽ tăng thêm 0,25% lãi suất điều hành đồng USD vào kỳ họp này. Điều này sẽ khiến đồng USD tiếp tục mạnh lên đẩy giá vàng giảm.

Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,7 - 67,35 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. 

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,75 - 67,27 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. 

Tuần qua, giá vàng SJC đi theo xu hướng thế giới. Hầu hết vào đầu phiên sáng, các cơ sở kinh doanh vàng chỉ niêm yết ngang giá so với chốt phiên ngày hôm trước. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch các đơn vị kinh doanh vàng đã điều chỉnh tăng - giảm.

Mức điều chỉnh tăng - giảm giá vàng của các đơn vị đều khá mạnh, từ 100.000 đồng đến trên 300.000 đồng/lượng vàng miếng SJC mỗi phiên. Một số cơ sở kinh doanh vàng cho biết, mặc dù giá biến động mạnh nhưng thị trường vẫn ảm đạm. Chủ yếu khách giao dịch là cá nhân mua sắm tiêu dùng và tích trữ là chính.

Kết tuần, giá vàng SJC tại Doji tăng 300.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Bảo Tín Minh Châu tăng 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Hà Nội: Nắng nóng khiến giá rau xanh tăng cao

Cầm tiền đi chợ vào những ngày này, chị Thuý Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy như bị “móc túi” bởi tiền chi cho giá rau củ đã tốn gần 100.000 đồng. Tuy vậy, chị Hằng vẫn phải mua đủ bởi rau xanh là thứ không thể thiếu trong mâm cơm gia đình.

“Trước đây, tôi chỉ chi vài chục nghìn đồng đã mua rau ăn cả tuần nhưng nay phải cầm tiền trăm mới đủ để dùng. Rau tăng giá, thịt heo lại không giảm khiến bữa cơm có phần ít phong phú hơn” - chị Hằng chia sẻ.

Ghi nhận trong ngày 13/7, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô như chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa)... và các sạp hàng buôn bán nhỏ lẻ cho thấy, mặt hàng hàng rau xanh về chợ ít dồi dào hơn, nhất là với mặt hàng rau cải và rau thơm.

Do khan hiếm, giá rau xanh liên tục tăng mạnh, trong đó có nhiều loại rau tăng gấp đôi. Nhìn chung, mức tăng trung bình trên mỗi mặt hàng là từ 20%-30% so với thời điểm cách đây 1 tháng.

Cụ thể, nhóm rau cải tăng giá mạnh nhất. Trong đó, rau cải ngọt ở mức 13.000 đồng/mớ, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ; cải xoong 16.000 đồng/kg; cải canh lên tới 35.000 đồng/kg; bắp cải cũng tăng gấp đôi lên mức 25.000 đồng/kg; cải chip, cải ngồng từ 30.000 đồng/kg...

Giá các loại rau thơm, hành, mùi cũng đã đắt gấp đôi so với trước. Trước đây, giá rau thơm các loại từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, thì này tăng vọt lên 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, một số loại rau xanh cũng rục rịch tăng giá theo như mồng tơi từ 10.000 đồng/mớ nay chỉ còn 6.000 đồng/mớ, rau muống 15.000 đồng/mớ to tăng lên 15.000 đồng/mớ, rau ngót 7.000 đồng/mớ tăng lên 13.000 đồng/mớ, mướp hương có giá từ 12.000 đồng/kg ...

Chị Trần Thị Hoa, tiểu thương bán rau ở chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, nguồn rau từ các vùng sản xuất rau tại ngoại thành đưa về chợ thiếu hụt khiến lượng hàng không còn dồi dào, phong phú so với trước đây.

“Giá rau thời gian này rất đắt nên tôi không dám lấy nhiều về bán. Người dân đi chợ cũng chi tiêu dè sẻn hơn so với trước nên rau ế dù tôi đã nhập hàng ít. Khả năng rau xanh sẽ còn tăng giá hơn do đã vào mùa mưa bão, lượng hàng đổ về chợ sẽ càng ít đi” - chị Hoa chia sẻ.

Theo các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), nguyên nhân rau xanh tăng giá là do thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài đan xen mưa giông khiến các vùng sản xuất rau tại Hà Nội và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng, nhiều loại bị hỏng ngay trên ruộng khiến nguồn cung khan hiếm, giá tăng.

Ngoài rau củ, giá thịt heo vẫn trong đà tăng cao từ đầu năm tới nay. Cụ thể, giá thịt mông sấn 100.000 - 110.000/kg; thịt ba chỉ từ 120.000 - 130.000 đồng/kg; sườn thăn có giá bán 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, nạc vai từ 100.000 - 120.000 đồng/kg,...

Người dân ngán ngẩm với tình trạng, dù giá heo hơi có giảm sâu hay tăng mạnh, họ vẫn phải mua giá thịt với mức cao. Vì vậy, không ít người tiêu dùng buộc phải thay đổi thói quen mua sắm, chi tiêu ít hơn cho thịt heo, ưu tiên dùng các loại thịt, trứng gia cầm, thịt bò nhập khẩu.

Giá sầu riêng tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg

Anh Phan Văn Tâm, một nhà vườn ở Đắk Lắk cho biết, giá sầu riêng được thương lái thu mua lên tới 85.000 - 90.000 đồng/kg hàng sô, muốn mua phải cọc trước từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha. Bà Nguyễn Thị Thắng, cũng ở Đắk Lắk thông tin sáng 11/7 có thương lái đến trả giá 85.000 đồng nhưng vẫn chưa chốt vì giá đang xu hướng tăng. 

Trong khi đó, trên một số hội nhóm, nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng cho biết thương lái chốt giá từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. 

Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn đề nghị không nêu tên thừa nhận, thị trường có nhiều thương lái báo giá 85.000 - 90.000 đồng/kg sầu riêng sô. Tuy nhiên giá này doanh nghiệp không dám mua vào và chỉ có thể chấp nhận giá 80.000 đồng/kg với điều kiện là lựa với tỷ lệ "bao đậu" 80%.

Đại diện Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam đều xác nhận, thời gian gần đây giá sầu riêng tăng mạnh từ 15.000 - 20.000 đồng so với tháng trước; đạt mức cao nhất đến 90.000 - 95.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phía nam Hội Làm vườn Việt Nam, giải thích: Hiện tại, vụ mùa ở miền Đông đang vào giai đoạn kết thúc còn vụ mùa ở Tây nguyên đang chớm bắt đầu. Giai đoạn này, nguồn cung khan hiếm cục bộ đẩy giá sầu riêng lên cao. Khu vực miền Đông diện tích chỉ khoảng 21.000 ha nên sản lượng khá hạn chế. Còn Tây nguyên là nơi có diện tích lớn nhất, lên đến trên 51.000 ha, trên tổng diện tích hơn 110.000 ha của cả nước. Khu vực miền Tây khoảng 31.000 ha, còn lại rải rác các nơi khác.

Bên cạnh đó, việc mùa vụ sầu riêng ở Việt Nam đang dịch chuyển lên Tây nguyên thì đối thủ lớn của chúng ta là sầu riêng Thái Lan cũng đang vào cuối vụ, sản lượng giảm. Đây cũng là yếu tố khiến giá sầu riêng Việt Nam tăng trở lại. "Dự báo giá sầu riêng Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao và sầu riêng Việt Nam trở lại vị thế - một mình một chợ như giai đoạn đầu năm nay", ông Mười thông tin.

Giá xăng RON95 tăng, giá xăng E5 giảm nhẹ

Chiều 11/7, liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Cụ thể, giá xăng RON92 giảm 51 đồng/lít và xăng RON95 tăng 69 đồng/lít so với mức giá hiện hành; dầu diesel tăng 447 đồng/lít; dầu hỏa tăng 394 đồng/lít; dầu mazut tăng 665 đồng/kg.

Kỳ điều chỉnh lần này, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả mặt hàng xăng, dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.419 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 21.497 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 18.616 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.320 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 15.288 đồng/kg.

Như vậy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 10 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.