Cùng với đà tăng tỷ giá đen trong ngân hàng, phí chuyển đổi ngoại tệ cũng đồng loạt leo thang ở nhiều nơi, dù chi tiêu qua thẻ thanh toán quốc tế được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sử dụng khi người dân ra nước ngoài.
Cao nhất là Ngân hàng Á Châu (ACB) với mức phí dao động 6% (trước đó chỉ khoảng 3-4%). Kế đến là HSBC, cách đây một tháng chỉ 3% nhưng hiện cũng lên 4,5%. Còn Techcombank từ ngày 4/11 đã điều chỉnh tăng phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ của thẻ Visa với mức phí từ 3% lên 3,49% giá trị giao dịch (bao gồm VAT). Trên thực tế, trước việc siết chặt mua bán ngoại tệ tự do của Ngân hàng Nhà nước, nhiều cá nhân gặp khó khăn khi mua ngoại tệ để đi công tác, du lịch hoặc học tập ở nước ngoài... Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân, ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước từng ra văn bản số 2033 yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng thẻ thanh toán khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài. Nhưng việc tăng phí lên quá cao như hiện nay, vượt cả giá mua USD tiền mặt tại thị trường chợ đen (đôla chợ đen sáng nay khoảng 21.400 đồng) không những làm giảm sức hấp dẫn của hoạt động chi tiêu qua thẻ mà còn khiến nhiều khách hàng không mặn mà với việc dùng thẻ. Chị Lan, một khách hàng sử dụng thẻ Visa của Techcombank tính toán, khi dùng thẻ Visa, Master… để rút tiền mặt ở nước ngoài, chị phải chịu hai loại phí và lãi suất. Phí rút tiền khoảng 4%, phí chuyển đổi ngoại tệ gần 4% (khi thanh toán ở nước ngoài, ngoài số tiền phải trả theo tỷ giá chính thức, khách hàng phải trả thêm 4% trên tổng số tiền thanh toán); lãi suất thấp nhất 23% (khoảng 0,064% mỗi ngày) được tính ngay tại thời điểm rút tiền. Với thẻ ghi nợ Visa Debit, nếu chủ thẻ rút tiền mặt ở nước ngoài cũng sẽ chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7 đến 11%, cao hơn rất nhiều so với việc mua USD trên thị trường tự do. Đó là chưa kể phải đóng phí thường niên 300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản... "Hiện nay, tỷ giá giữa trong và ngoài ngân hàng chỉ chênh nhau khoảng 300-400 đồng mỗi USD. Như vậy, tôi mua đôla tự do rẻ hơn nhiều so với thanh toán bằng thẻ", chị nói. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại lý giải việc tăng phí là điều bất đắc dĩ. Bởi chỉ khi nào mức phí cũ trước đó không đủ bù đắp chi phí vận hành, nhà băng mới điều chỉnh. "Điều chỉnh phí cũng liên tục được thay đổi linh hoạt tuỳ từng giai đoạn", ông nói. Tuy nhiên, ông Toại nhìn nhận, phí chỉ là một phần trong quyết định lựa chọn dịch vụ thẻ của khách hàng. Vì nếu mức phí có tăng lên nhưng nếu chất lượng dịch vụ tốt thì vẫn thu hút được người sử dụng thẻ. Đại diện Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng hoặc giảm các loại phí nói chung và phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ nói riêng của nhà băng là một động thái thông thường trong hoạt động giao dịch. Đồng thời, điều chỉnh phí cũng giúp ngân hàng nỗ lực mang đến các giải pháp, tiện ích và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. "Việc điều chỉnh tăng phí chỉ mới được áp dụng từ ngày 1/11 và chúng tôi ghi nhận số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng vẫn tiếp tục ổn định", đại diện HSBC cho biết. Trao đổi với PV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang là chủ trương được nhà nước khuyến khích người dân sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề thu phí, hiện cơ quan này chỉ quy định đối với các loại phí liên quan đến thẻ ATM nội địa, còn thẻ quốc tế là do các tổ chức quốc tế như Visa và Master card phối hợp với các nhà băng để đưa ra mức phí phù hợp. "Do đó, khi sử dụng dịch vụ thẻ quốc tế của nhà băng nào, khách hàng nên đọc kỹ hợp đồng thoả thuận trước khi ký. Dịch vụ nào tốt hơn, mức phí dễ chịu hơn thì dùng, còn không tốt thì khách có quyền từ chối sử dụng", ông Hạnh nói. Trước thực trạng phí chuyển đổi ngoại tệ tăng cao, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị, các ngân hàng nên cân nhắc và giảm phí này xuống mức thấp hơn, đặc biệt là phí rút tiền mặt ở nước ngoài thì mới khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.