Cuối tháng 5, trước khi nhập mặt hàng đồ gia dụng về Việt Nam, một công ty thương mại đã mời tiểu thương bán mặt hàng này ở các cửa hàng, các chợ trên địa bàn Hà Nội đến xem hơn 1.000 mẫu đồ gia dụng các loại.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Mỗi tiểu thương được phát phiếu thông tin lưu lại mã số những mẫu hàng mà họ quan tâm, có thể bán chạy, số lượng dự kiến đặt hàng... Công ty không phân biệt tiểu thương sạp trong chợ hay cửa hàng lớn, nhỏ trên phố; không phân biệt người bán buôn hay người bán lẻ, bởi theo đại diện công ty, tiểu thương là người hiểu thị trường và hiểu người tiêu dùng nhất. Lực lượng này có sức phân phối mạnh và trải rộng hơn siêu thị hay cửa hàng của công ty. Cách làm này cũng giúp doanh nghiệp tập trung bán những mẫu hàng được chọn nhiều, theo đúng phương châm: Bán đúng cái người ta cần.
Tận dụng kênh chợ, cửa hàng tạp hóa để bán sản phẩm thực ra không phải là cách làm mới. Chiến lược này đã được Unilever Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Masan, hay khóa Việt Tiệp… thực hiện được một vài năm nay. Và thực tế, chợ nhỏ nhưng doanh thu không nhỏ. Cách làm mới này hiệu quả ở chỗ không quảng cáo nhiều, chỉ bằng cách chủ động tìm đến các đại lý, tiểu thương, không phân biệt kinh doanh lớn hay nhỏ, ngay lập tức doanh nghiệp đã có thể nhận được góp ý về mặt hàng, mẫu mã, chủng loại và khả năng tiêu thụ trước khi đưa sản phẩm mới ra thị trường. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạch định chiến lược phát triển và sự thành công trong kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường.