Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm cách hút dòng vốn quốc tế cho ngành công nghiệp y dược

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp y dược còn nhiều dư địa hút vốn đầu tư, nhưng để làm được điều này đòi hỏi những chính sách ưu đãi hấp dẫn. Đó là ý kiến tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay (20/7).

Thị trường có tiềm năng phát triển

Thông kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Với mức tăng trưởng nhanh trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm, y tế của khu vực.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD trở thành thị trường mầu mỡ hút vốn đầu tư nước ngoài.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi cách thức tiếp cận, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành y dược. Ảnh: Hoài Nam
Các đại biểu, chuyên gia trao đổi cách thức tiếp cận, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành y dược. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp nội địa mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu dược phẩm trong nước. Nhằm khai thác thị trường nhiều tiềm năng, thời gian qua một số doanh nghiệp nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc tại Việt Nam. Năm 2019, Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) đầu tư 200 triệu USD qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Dược Hậu Giang.

Nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao, năm 2020, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây đã thông qua phương án phát hành 5,28 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 20% vốn sau phát hành) cho đối tác chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản). Tháng 9/2021, Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng công bố sẽ đầu tư hàng chục triệu USD vào Insmart - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam.

Sản xuất Vitamin E4 của Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế Abipha tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất Vitamin E4 của Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế Abipha tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Ảnh: Hoài Nam

Đầu năm 2022, các doanh nghiệp dược Ấn Độ ký kết quyết định hợp tác đầu tư Dự án Công viên dược phẩm quốc tế Việt - Ấn với Công ty CP Tập đoàn Phát triển khu công nghiệp - đô thị Đại An (Hải Dương, Việt Nam), tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Dự án này được dự đoán sẽ là “đòn bẩy chiến lược” để đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Các chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư

Những mảng sáng của bức tranh y dược Việt Nam cho thấy, thị trường có triển vọng đầu tư và phát triển tích cực. Tuy nhiên tại hội thảo, các đại biểu có chung ý kiến, những chính sách thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế như thiếu yếu tố đột phá về tầm nhìn; chính sách pháp luật chưa khả thi, thủ tục hành chính còn phức tạp.

Nói về những khó khăn trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường y dược Việt Nam, luật sư Dương Thị Mai Hoa (Công ty Luật TNHH Việt Ấn) cho biết: Chính sách pháp luật Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng cung cấp nhiều ưu đãi, nhưng chủ yếu là ngắn hạn nên chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư “đương đầu” với các quy trình, thủ tục pháp lý phức tạp; hoặc chưa được cụ thể hóa trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Đóng gói sản phẩm thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Ảnh: Hoài Nam
Đóng gói sản phẩm thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Ảnh: Hoài Nam

“Hiện đã có Luật Chuyển giao công nghệ, nhưng Việt Nam chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về quy trình, thủ tục chuyển giao công nghệ đối với y dược đã tạo ra khoảng trống về khung pháp lý. Điều này đã gây khó cho cả cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ” - luật sư Hoa nêu ví dụ.

Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam Trịnh Văn Lẩu cho biết, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Luật Dược năm 2016 có quy định chính sách Nhà nước về ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.

Tuy nhiên các chính sách hiện nay về mua sắm, khuyến khích, hỗ trợ đang tập trung cho việc sản xuất thuốc nói chung, dẫn đến việc các cơ sở sản xuất chủ yếu đầu tư cho việc sản xuất là thuốc thông thường; không chú trọng vào việc nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị. Ngoài ra, các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, chính sách quản lý giá thuốc hay định hướng sử dụng thuốc generic… chưa nhất quán đang tạo nên rào cản hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc.

Nhằm khắc phục những bất cập này nhiều chuyên gia có chung đề xuất, chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân. Đồng thời đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.