Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm cách ngăn bạo lực trong bệnh viện

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong thời gian ngắn, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tấn công bác sĩ trong bệnh viện (BV) khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Ngày 7/11, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
 Bác sĩ Sơn sau khi bị hành hung phải nằm điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: Quốc Nam
Trước nhiều ý kiến cho rằng, thầy thuốc chưa tận tâm, ứng xử chưa đúng mực khiến tình trạng bạo lực gia tăng trong BV, TS Vương Ánh Dương, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo hành cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Ở những trường hợp cụ thể, đôi lúc do những tình huống khách quan mà người thầy thuốc chưa trao đổi thông tin kịp thời tới người bệnh nên gia đình bệnh nhân coi đó là sự vô tâm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế thường xuyên chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở y tế nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, bảo đảm quyền được thông tin của người bệnh khi đến khám chữa bệnh. TS Vương Ánh Dương cũng nêu một thực trạng đáng lo ngại, đó là việc nhân viên y tế bị các đối tượng uống rượu bia, hay do va chạm ngoài xã hội, mang bức xúc vào BV và tấn công bác sĩ. Điển hình là trường hợp bác sĩ Trần Thanh Sơn tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Quảng Bình) mới đây, khi bác sĩ xông ra để cứu người bệnh thì bị một nhóm côn đồ tấn công ngay tại hành lang khoa cấp cứu. Nhiều trường hợp tương tự khác cũng đã từng xảy ra ở một số BV trên toàn quốc.

Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh qui định, lãnh đạo BV phải bảo đảm điều kiện, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và danh dự của người hành nghề. Tuy nhiên, môi trường BV hiện nay khiến nhiều thầy thuốc thấy bất an, TS Vương Ánh Dương cho rằng, trong cơ chế đã giao quyền tự chủ cho lãnh đạo các BV. Hiện, Bộ đang tập trung xây dựng các kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an. Thời gian tới, phía công an sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát 113 nhằm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống tại những khu vực khám chữa bệnh.

Ngoài ra, các cơ sở cần tiếp tục cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cũng như tăng cường điều kiện cơ sở vật chất để người bệnh hài lòng. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng phải thay đổi cách ứng xử, tác phong, thái độ giao tiếp. Làm được như vậy, người bệnh sẽ bớt bức xúc khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. “Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã hướng dẫn các đơn vị tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trật tự như việc quy định về khuôn viên, tường rào, kiểm soát các lối ra vào BV, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống báo động cấp cứu ở những nơi có nguy cơ mất an ninh cao”- ông Vương Ánh Dương nói.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi từ phía BV, ngành y tế mong muốn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hợp tác, chia sẻ với áp lực của bác sĩ, của các cơ sở y tế, nhất là ở những BV quá tải hiện nay.