Các nghệ nhân nơi ấy vẫn đang dò đường tìm lối vực dậy thứ nghệ thuật vốn là “đặc sản” của dân làng, nhưng còn quá nhiều barie cản đường.
Chỉ có “cơ chế tự nguyện”
Bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) - một trong những người góp công sức vực dậy ca trù không nhắc lại quá nhiều về thời vang bóng của ca trù Chanh Thôn. Bà cũng không “tự bạch” quá nhiều về những tháng ngày dằn vặt, có lúc nản lòng để vực dậy ca trù. Nhưng bà nhớ như in những “mốc” thời gian mà ca trù hồi sinh trở lại. “5 năm nguội lạnh, chỉ thi thoảng các nghệ nhân làng nhớ ca trù giở ra hát cho nhau nghe, mãi đến năm 2007, ca trù Chanh Thôn mới khởi động trở lại”. Sự hồi sinh ấy được khơi nguồn từ việc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 3 cụ Vũ Văn Khoái, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu, đồng thời công nhận Nghệ thuật hát ca trù làng Chanh Thôn là Địa chỉ Văn hóa dân gian của Hội. Bà Ngoan nói đúng, chỉ cần được ghi nhận, được tiếp sức là những người của ca trù sẽ giữ ca trù bằng được, kéo ca trù về với đời thường.
Thế nhưng, giữ ca trù không chỉ có việc hát, mà kỳ công là việc truyền dạy để giữ lại “vốn liếng” từ các nghệ nhân. Mà việc học hành truyền dạy ấy không nhanh thì người đương thời chẳng còn cơ hội, vì quy luật sinh tử không chừa một ai. Làng Chanh cũng vậy, nghệ nhân đứng ra tổ chức các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Đàn phách chưa đủ điệu, chưa vừa lòng thì cụ Khoái đã ra đi. Người ở lại ít ỏi, lại buồn vì có quá nhiều thứ văn hóa ngoại đang tràn vào giới trẻ, lấn át cả ca trù; buồn cả vì chuyện “đi học hát thì lấy đâu ra cái mà ăn”. Không chối bỏ được một sự thật là làng Chanh còn có nghề làm gỗ, có dạo người đi làm gỗ mỗi ngày còn có tiền trăm, trong khi đi hát chỉ được 5.000 đồng, cấp nghệ nhân thì cũng chỉ được gấp 3 là 15.000 đồng. Rõ là nghệ nhân được phong tặng hẳn hoi, mà hoàn toàn phải “tự lực cánh sinh”, muốn giữ nghề thì tự mở lớp, tìm người truyền dạy, muốn hát thì tự tìm sân khấu mà đàn ca... CLB ca trù Chanh Thôn cũng duy trì bằng cơ chế tự nguyện ấy, mà chẳng có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu nhìn nhận, hoạt động của các CLB ca trù ở Hà Nội để bảo tồn nghệ thuật này mang tính tự phát nhiều hơn và hoàn toàn không có sự liên kết. Ca trù làng Chanh thi thoảng được lên phố cổ biểu diễn, cũng là do các nghệ nhân tự mời nhau đến giao lưu. Còn chủ yếu loanh quanh hội làng và tự hát cho nhau nghe, dù tiếng phách “có giá”, được “dự đoán” là có thể trở thành một sản phẩm du lịch của Hà Nội.
Thế nên, nhiều người cho rằng, bên cạnh sự tự nguyện đã sẵn có trong các nghệ nhân, người yêu ca trù nơi thôn làng - yếu tố nền tảng để thúc đẩy ca trù phát triển, cũng nên thành lập hiệp hội các CLB, giáo phường ca trù Hà Nội. Đây sẽ là đầu mối kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện để các CLB, giáo phường ca trù bắt tay với nhau vực dậy âm hưởng ca trù trong đời sống đương đại. Ngoài chuyện kiến nghị các chính sách cần thiết cho ca trù, hiệp hội còn có thể đứng ra tổ chức các buổi biểu diễn cho các CLB góp tiếng. Rồi từ đó, tính cả việc truyền dạy nâng cao kỹ năng cho các giọng ca… Có như vậy, nghệ nhân và nghệ sĩ ca trù mới sống được bằng nghề và thứ nghệ thuật mang chất Hà Nội này mới có cơ hội đi vào các tour du lịch. Và như bà Ngoan nói, có sự động viên, có đất diễn, dân làng Chanh mới dám sống với ca trù.
Câu chuyện bảo tồn ca trù làng Chanh thực ra lại là chuyện của nhiều ngôi làng đang gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống.