Đây là sự kiện thường niên sẽ được diễn ra tại Hà Nội ngày 14/3 và TP Hồ Chí Minh ngày 16/3. Theo Ban tổ chức, VOBF thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tạo cơ hội để trao đổi về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo; giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam để giúp các DN tham dự điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Diễn đàn năm nay sẽ tập trung thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử năm 2018; tác động của công nghệ tới thương mại điện tử của mỗi DN. Đặc biệt, diễn đàn sẽ là cơ hội cho các doanh nhân trẻ trao đổi về chủ đề “Khởi nghiệp thành công với thương mại điện tử”. Trong đó sẽ làm rõ đâu là những điểm tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với các lĩnh vực khác? Ngoài ý tưởng sáng tạo, các nhà khởi nghiệp cần môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ nào từ nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp? Ngoài ra, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018 cũng được công bố tại diễn đàn này.Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.