Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp giúp người lao động giữ được việc làm trước đại dịch Covid-19

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự báo trong quý III/2021, cả nước có gần 30 triệu người lao động(NLĐ) bị mất việc, tạm nghỉ, bị cắt giờ làm... do đại dịch Covid-19. Vì thế, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cũng như đánh giá kỹ năng nghề để NLĐ có việc làm, thêm nghề mới.

Gần 30 triệu lao động bị mất việc, cắt giảm giờ làm vì Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động trong thời gian qua. Tại Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều ngày 4/10, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy đã thông tin về tác động của đại dịch Covid-19 đến lao động việc làm. Theo đó, lực lượng lao động trong quý III/2021 giảm mạnh chỉ còn 49,2 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm còn 67,7%. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 47,5 triệu người, giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2021, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao nhất trong 3 quý của năm 2021, với 1,6 triệu người, chiếm 3,72%; đã có 1,9 triệu NLĐ trong độ tuổi thiếu việc làm, tương đương 4,39%. Điều đáng lưu ý, quý II/2021, có tới 5,2% lao động không sử dụng hết tiềm năng. Mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III/2021 giảm sâu, chỉ còn 6 triệu đồng/tháng.
 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ đã tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý I; 12,8 triệu người trong quý II và dự báo số người bị tác động trong quý III sẽ cao hơn rất nhiều ước gần 30 triệu lao động. Trong số người bị tác động thì bị mất việc làm chiếm khoảng 5%, 32% người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất, khoảng 40% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; gần 80% người bị giảm thu nhập” – ông Tào Bằng Huy thông tin thêm.
Trong khi đó, tham luận về tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề, bà Nguyễn Hồng  Hà – Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%, điều này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho NLĐ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang hạn chế các cơ hội phát triển kỹ năng của NLĐ, tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của NLĐ khi thị trường việc làm đang bị thu hẹp.
Đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm
Để khôi phục lại thị trường lao động trong thời gian tới, Cục Việc làm đã đưa ra 10 giải pháp, trong đó có giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP.  Đó là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Hiện nay, trước những luồng lao động từ TP trở về quê, ông Tào Bằng Huy cũng nhấn mạnh đến giải pháp, theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ. Vì thế, những NLĐ đủ điều kiện thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thể đến trung tâm dịch vụ việc làm để liên hệ được đào tạo lại, có thêm nghề mới cũng như nâng cao kỹ năng tay nghề.
 Bộ LĐTB&XH công bố, tôn vinh 20 đại sứ kỹ năng nghề. Do thực hiện phòng chống dịch nên có 2 đại sứ nghề đến hội thảo nhận hoa. 
Từ thực tế lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên là 12,7 triệu người, chiếm 25,86% số lực lượng lao động có việc làm của toàn quốc, nhiều DN quan tâm ứng dụng các công nghệ 4.0 và có sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng lần thứ tư. Theo bà Trần Thị Lan Anh đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Các DN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho NLĐ trong DN phân theo quy mô. Trong đó, DN nhỏ và vừa, DN lớn tự tổ chức đào tạo chiếm tỉ lệ cao nhất; cùng với đó là các hình thức khác như DN liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bên ngoài tổ chức đào tạo, DN đặt hàng để các cơ sở GDNN cung cấp đào tạo, cơ sở GDNN của DN tổ chức đào tạo.
 Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều ngày 4/10
Tại hội thảo, các ý kiến khác cũng cho rằng, những hoạt động đánh giá nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ là một nhu cầu tất yếu và cũng để thu hút nhiều NLĐ tham gia đánh giá để nâng cao trình độ. Ông Lê Viết Hải -  Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đề xuất 4 giải pháp thu hút NLĐ tham gia hệ thống đánh giá để nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong đó, cần làm tốt công tác dự báo theo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng chiến lược kỹ năng nghề theo các ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà - chủ trì hội thảo cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, Bộ LĐ đã tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ LĐTB&XH cũng đã cùng các bộ, ngành, địa phương, DN và các cơ sở GDNN triển khai các chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.