Tình trạng liên tục rơi vào thế “tắc” cả trên trời lẫn các bãi đỗ và giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc. Đại diện Cụm cảng Hàng không phía Nam báo cáo về tình hình năm 2016, sân bay quá tải nặng hơn, từ trên không xuống đất, từ trong ra ngoài. Đường lăn độc đạo, thiếu bến đậu, cả 2 nhà ga đều quá tải, đặc biệt là nhà ga nội địa.
Sân bay Tân Sơn Nhất |
Cụ thể, năm 2015, sân bay đáp ứng tối đa 35 chuyến/giờ cao điểm. Năm 2016, sau nhiều nỗ lực, đã nâng lên được con số 38-40. Như thời gian vừa qua, có lúc máy bay phải bay chờ trên không từ 15-30 phút mới hạ cánh. Về vấn đề các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất liên tục trong tình trạng ách tắc, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, giao thông đối ngoại của Tân Sơn Nhất ảnh hưởng cả đến tuyến đường Trường Sơn, Cộng Hoà. Tình trạng hiện nay là do chỉ có 1 lối vào duy nhất, là trục độc đạo.
Giao thông ùn tắc xung quanh cảng hàng không Tân Sơn Nhất |
Tình trạng ùn ứ bắt đầu nhiều từ khi thông tuyến đường Phạm Văn Đồng. Tính toán cho thấy đường Phạm Văn Đồng đã trở thành đường vành đai trong từ Đông sang Tây. Theo đó, có khoảng trên 50% xe hơi, 90% xe máy sử dụng tuyến đường Trường Sơn không vào sân bay. Điều này khiến tuyến đường quanh sân bay phải vừa thực hiện chức năng giao thông đối nội, phải vừa giao thông đối ngoại, chính điều này dẫn đến những trận tắc nghẽn giao thông kinh hoàng xảy ra trong thời gian gần đây.
Tại cuộc họp tìm giải pháp giảm ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chủ trì vào tháng 4/2016, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam Đỗ Tất Bình cho biết năm 2016, dự báo lượng hành khách đến sân bay này sẽ đạt 31 triệu lượt và có thể cán mốc 40 triệu lượt vào năm 2018. Trước đó, nhằm giảm tải cho sân bay, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sân bay có 82 vị trí đỗ máy bay gồm 54 vị trí của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng. Nhà ga hành khách sẽ được cải tạo để đáp ứng đạt công suất 25 triệu hành khách và nhà ga hàng hóa đến năm 2030 đạt 1 triệu tấn/năm. Nhưng trên thực tế, dù đã có quy hoạch mới điều chỉnh nhưng một số chỉ tiêu đã bị vượt. Quý I/2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ 7,89 triệu lượt hành khách, tăng 25,26% so với cùng kỳ. Với tốc độ này lượt hành khách đã vượt công suất thiết kế của sân bay này đến năm 2020. Trong khi đó, phải đến năm 2025, dự kiến sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới đi vào khai thác giai đoạn 1. Hiện mỗi ngày có khoảng 550 chuyến bay cất - hạ cánh ở Tân Sơn Nhất nhưng dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, lúc cao điểm lên tới 726 lượt/ngày, trong khi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng không cải thiện tương xứng, các hãng thiếu cửa (gate) ra tàu bay, thiếu phòng chờ cho hành khách - nhất là khi tình trạng chậm, hủy chuyến xảy ra... Nói về tình trạng này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải, vì hiện công suất khai thác của sân bay đã vượt quá quy hoạch 25 triệu lượt hành khách/năm và dự báo năm 2016 sẽ lên tới con số 31 triệu lượt. Thiếu bãi đỗ máy bay cũng là vấn đề đau đầu với cả sân bay và các hãng. Nhiều chuyến bay đã hạ cánh nhưng phải chờ trên đường lăn vì không có bãi đỗ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách và tác động dây chuyền đến những chuyến bay tiếp theo. Nhu cầu bãi đỗ máy bay của các hãng đang khai thác ở Tân Sơn Nhất hiện nay là 70 vị trí nhưng thực tế chỉ có 46. Cái khó là nếu cải thiện thêm bãi đỗ từ 7,63 ha đất quốc phòng bàn giao cho sân bay Tân Sơn Nhất thì cũng chỉ tăng thêm 2 vị trí. Chưa kể, trong 7,63 ha đất quốc phòng này, vẫn còn hơn 3 ha đang vướng giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã thống nhất phương án để Bộ GTVT đầu tư mở rộng, khai thác sân đỗ bay quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng tại khu đất 21,3 hec-ta ở phía tây Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Cả 2 bộ cũng đã thống nhất phương án đề xuất đầu tư hạ tầng, khai thác sân đỗ. Khi khu đất này được quy hoạch làm sân đỗ tàu bay với 30 vị trí đỗ cùng việc mở rộng sân đỗ tàu bay ở phía bắc (khoảng 8 vị trí), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 90- 100 vị trí đỗ, nâng công suất phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định: “Tân Sơn Nhất tắc nghẽn trên không là do mặt đất, do nhà ga, đường lăn, từ sân bay về TP. Bãi đỗ máy bay hiện chỉ có 51 chỗ thì không thể tránh được việc tắc nghẽn so với thực tế nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá”. Phó Thủ Tướng cũng chỉ đạo: “Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn hàng không trong tình trạng khó khăn hiện nay, chúng ta phải giải bài toán cải tạo nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là biện pháp hiệu quả nhất." Theo một số chuyên gia hàng không, do hạn chế về diện tích, những dự án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua chỉ mang tính chất chắp vá nên khó nâng đồng bộ chất lượng dịch vụ. Ngay cả nhà ga quốc nội, sau nhiều lần sửa chữa cũng chỉ “chắp vá” vì vừa nâng cấp vừa khai thác. Ngoài ra vấn đề ùn tắc giao thông các tuyến đường xung quanh sân bay, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, cũng thừa nhận tình trạng ùn ứ ở các tuyến đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đang có dấu hiệu bùng phát, đặc biệt là trên đường Trường Sơn mà trong đó có nguyên nhân là lượng xe tăng đột biến. Theo lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện chỉ có một lối ra vào sân bay duy nhất nằm trên đường Trường Sơn nhưng tuyến đường này lại thường xuyên bị ùn ứ và ngày càng nghiêm trọng hơn từ kết nối với đường Phạm Văn Đồng. Lý do là khi mở tuyến đường này, các đơn vị đã không lường trước được áp lực giao thông sẽ tăng lên khi kết nối với các trục đường khác ra vào sân bay. Giải pháp quan trọng trước mắt là phải tổ chức lại giao thông qua khu vực này nhằm hạn chế lượng phương tiện lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay. Theo đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trước mắt sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường này thì đến khoảng cuối tháng 8/2016 sẽ hoàn thành xong 2 nhánh ra – vào sân bay là đường Hồng Hà và Bạch Đằng (hiện đang thi công) nên sẽ có chuyển biến trong việc giảm ùn ứ tại khu vực này. Ngày 11/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về vấn đề giao thông, trong đó bao gồm việc giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Bộ GTVT hiện đang phối hợp với Bộ Quốc phòng để nhận bàn giao khoảng 21 ha đất quốc phòng nhằm mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn cho máy bay. Để giảm tải cho đường Trường Sơn hiện liên tục ùn tắc vào giờ cao điểm, Bộ GTVT đang nghiên cứu phương án làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm tuyến đường ra hướng đường Cộng Hòa. Trước đó, để giải quyết tình trạng quá tải, phía sân bay Tân Sơn Nhất đã từng đề xuất nghiên cứu đậu máy bay ở các sân bay vệ tinh như Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ nhưng các hãng không mặn mà. Vì theo lý giải của các hãng hàng không thì đậu máy bay ở các sân bay vệ tinh là gây khó cho hãng bởi bài toán hiệu quả kinh doanh không đáp ứng. Chẳng hạn, chuyến bay sớm nhất ở Tân Sơn Nhất của hãng khởi hành lúc 5 giờ thì chuyến bay đầu tiên đón khách ở sân bay vệ tinh như Cam Ranh phải xuất phát từ 4 giờ, thời điểm không có hành khách. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt Bộ GTVT phải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên môn phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp tối ưu trong việc mở rộng, nâng cao năng lực vận tải của sân bay Tân Sơn Nhất và sau đó báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, tìm các nhà đầu tư và đầu tư bằng nhiều hình thức để thực hiện tối ưu các biện pháp mở rộng, nâng cấp sân bay để giải quyết nhanh nhất những bất cập hiện nay.