Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp hòa bình trên Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 5 – 10/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) tập trung bàn thảo về những diễn biến tại Biển Đông thời gian gần đây và tình hình an ninh của khu vực Đông Bắc Á.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự AMM và các hội nghị liên quan tại Myanmar.

Ngoài AMM 47, tại Nay Pyi Taw sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác (PMC), ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á (APT 15), Hội nghị ngoại trưởng cấp cao Đông Á (EAS FMM 4), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF 21) và các hội nghị cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ hợp tác MêKông và các đối tác. Các hội nghị quan trọng này diễn ra trong bối cảnh ASEAN đối mặt với không ít thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, tiếp tục tác động không nhỏ tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực... Vì thế, sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và 17 nước đối tác ngoài ASEAN là cơ hội để các nước ASEAN và đối tác bàn thảo và tìm ra phương thức đối phó với những thách thức hiện nay.
 Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra hôm 11/5, lần đầu tiên sau 20 năm, lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung về Biển Đông.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra hôm 11/5, lần đầu tiên sau 20 năm, lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung về Biển Đông.
 
 Theo kế hoạch, ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có mặt ở Nay Pyi Taw tham dự các Hội nghị EAS FMM 4, ARF 21 và có những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Báo cáo “Các xu hướng gần đây ở Biển Đông và chính sách Mỹ” vừa được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế công bố nhận định, nhiều khả năng ông Kerry sẽ kêu gọi ASEAN tự nguyện tạm dừng các hoạt động trong những vùng tranh chấp trên Biển Đông để theo đuổi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), với hy vọng Trung Quốc sẽ chịu sức ép ngoại giao và phải có hành động tương tự. 

Trước thềm diễn ra Hội nghị AMM 47, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Daniel Russel nhấn mạnh, với vai trò một cường quốc, Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt phải thể hiện sự kiềm chế và thận trọng khi ở trong khu vực nhạy cảm. Ông Russel nêu rõ, sau khi rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã để lại mối quan hệ căng thẳng với Việt Nam cũng như làm dấy lên các quan ngại trong khu vực về chiến lược dài hạn của nước này. Chính phủ Philippines hôm 4/8 cũng cho biết, sẽ đưa ra một đề xuất “đóng băng” tại ARF, cũng như việc thực thi một bộ quy tắc ứng xử và sử dụng tòa trọng tài để phân xử các tranh chấp. Trước đó, Trung Quốc đã từ chối ý tưởng đóng băng căng thẳng, ngang nhiên khẳng định rằng, họ có thể xây bất kỳ thứ gì họ muốn trên các đảo của mình ở Biển Đông.

 
Dự kiến, tại các hội nghị lần này sẽ có một số văn kiện như: Thông cáo chung của Hội nghị AMM 47,Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF 21 và Tuyên bố Chủ tịch của các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS).