Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế

Vũ Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau dịch Covid-19 dự báo dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, có xu hướng tăng mạnh. Để đón dòng vốn này Việt Nam cần sớm định hướng nền kinh tế đi vào chất lượng, có tính chất chuyên môn hóa cao, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể.

Sản xuất linh kiện thiết bị điện tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu, Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng,Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải
"Thay máu" cho nền sản xuất
Theo các chuyên gia, để đón dòng vốn, Việt Nam cần đầu tư công nghệ để tăng quy mô và chất lượng của nền kinh tế. Thời điểm hiện nay các DN Việt Nam có thể đàm phán mua máy móc, thiết bị ở mức giá phù hợp. Đây là lợi thế khi nhu cầu bán thiết bị đang cao từ các nước, do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà các gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai đến các DN, giúp giảm giá bán sản phẩm, thiết bị. Yếu tố này cần có định hướng, kết hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ, đối với DN.
Sau đại dịch, thế giới sẽ có một trật tự sắp xếp mới, xu thế các nước xa rời toàn cầu hóa tăng cao, bởi sự phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia nào đó, ví như “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của đất nước mình. Vì vậy tự chủ, dựa vào lợi thế riêng của đất nước để mở rộng thị trường ra thế giới, sẽ được các quốc gia tận dụng và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh đầu tư thiết bị máy móc cần tận dụng tốt Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, đã được ký kết nhưng để tận dụng lợi thế này, Việt Nam cần cung cấp sản phẩm có chất lượng, loại trừ các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn giao thương. Việc định hướng đầu tư công nghệ cao cho nền kinh tế ở thời điểm này, có thể hiểu như “thay máu” nền sản xuất lạc hậu, đón đầu những dòng vốn đầu tư mới, đang hướng tới Việt Nam và các DN cần chủ động đầu tư để thu hút dòng vốn. Nhưng muốn khoản đầu tư của DN không lãng phí trong tương lai, một nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc thay thế thiết bị, công nghệ mới của DN ở thời điểm này, là nền tảng, tạo sự bền vững cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, để ổn định được sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, giữ vững tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nhất thiết phải tìm ra phương án đối phó với nước mặn xâm nhập trong thời gian tới.
Kích thích tiêu dùng trong nước
Sau đại dịch Covid-19, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu còn hạn chế, sản xuất đa phần vẫn ở mức thấp hơn năng lực thiết kế. Vì vậy, kích thích tiêu dùng trong nước “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cần được quan tâm, giúp ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Trong dịch Covid-19, khoảng trống công nghệ xuất hiện, khi Robot phục vụ bệnh nhân trong khu cách ly, được đưa vào sử dụng. Hiện tại, cuộc CMCN 4.0 đã khởi động ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo được áp dụng mạnh mẽ hơn vào sản xuất, nhằm giải phóng sức lao động của con người. Sân chơi công nghệ đó, đang là mảnh đất màu mỡ cho những nhà sáng chế, phục vụ nhu cầu ngày càng cao trong cuộc sống. Một chính sách khuyến khích đầu tư vào tự động hóa ở thời điểm hiện nay, là hướng đi phù hợp, tạo cơ hội cho các DN trong nước tiếp xúc với công nghệ giá rẻ, do người Việt sản xuất.
Bên cạnh đầu tư công nghệ, Việt Nam cần định hướng lại việc đào tạo nguồn nhân lực, đón đầu cơ hội việc làm khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bởi đa phần nhân lực đào tạo ở nước ta thiếu thực tế, các trường kỹ thuật thiếu cơ sở cho sinh viên thực hành. Kinh nghiệm cho thấy, các nước phát triển đều phải trải qua quá trình công nghiệp hóa. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, trình độ luyện kim còn thấp kém, cơ khí chính xác chủ yếu là gia công, đáp ứng một số nhu cầu thay thế thiết bị nhỏ lẻ trong nước. Vì vậy, đầu tư cho công nghiệp nặng, hướng tới mục tiêu làm chủ máy móc thiết bị theo cả hai tiêu chí (làm chủ về vận hành và chủ động về thiết bị sẵn có) là hướng đi mà các nước phát triển đều phải trải qua.
Các Bộ, ngành cần hỗ trợ DN sản xuất theo vòng tròn khép kín, giúp sản phẩm đạt chất lượng cao, cũng như kết hợp với DN tìm kiếm đầu ra cho xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường, nâng cao hiệu quả trong khâu tiêu thụ sản phẩm.