Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm hướng đi đúng để bảo vệ tác quyền cho phim Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực phim điện ảnh và truyền hình luôn là vấn đề trăn trở của những người tâm huyết với bộ môn"nghệ thuật thứ bảy". Theo ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, để bảo vệ tác quyền cho phim, cần thành lập một tổ chức chuyên trách, chuyên sâu để làm nhiệm vụ này.

Tìm hướng đi đúng để bảo vệ tác quyền cho phim Việt - Ảnh 1
Thưa ông, trong bối cảnh công nghệ số phát triển, việc vi phạm tác quyền phim truyện, phim truyền hình dễ dàng hơn. Đó có phải là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm Luật Bản quyền ở nước ta hiện nay trở nên phổ biến?

- Đúng vậy, tình trạng vi phạm Luật Bản quyền nói chung, vi phạm bản quyền ở lĩnh vực phim truyện, phim truyền hình nói riêng diễn ra không chỉ phổ biến ở nước ta mà còn thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, có phim chưa phát hành đã bị "ăn cắp". Chính bởi thế, các đơn vị sản xuất đã thận trọng hơn trong việc quảng bá tác phẩm. Ngay cả khi phim đã xong, chỉ còn chờ duyệt hoặc chờ công chiếu thì các đơn vị cũng hạn chế sao sang bản khác để tránh bị thất thoát, nhằm bảo vệ bản quyền một cách tối ưu.

Bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc đã đi trước điện ảnh, truyền hình cả chục năm, trong khi những vấn đề vi phạm bản quyền phim truyện, phim truyền hình còn xuất hiện sớm hơn (từ những năm 90 của thế kỷ trước). Theo ông, để bảo vệ quyền tác giả phim, có nên tiến tới hình thành một tổ chức chuyên trách, chuyên sâu để bảo vệ quyền tác giả?

- Đáng lẽ việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình phải được thực hiện từ lâu. Nhưng đây cũng là vấn đề khó, nhạy cảm, không thể nghĩ là làm được mà phải cần sự chung tay của các cấp, ngành. Chúng tôi đang tiến hành dần từng bước, ban đầu là khơi lên vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này. Do vậy, sau cuộc tọa đàm về bảo vệ quyền tác giả phim truyện, phim truyền hình ngày 17/12 tại Hà Nội, chúng tôi tiếp tục tổ chức tọa đàm tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/12 để tiếp thu những ý kiến của công chúng, nghệ sĩ, hội viên hội điện ảnh… Từ đó, cùng bàn thảo để tiến tới tạo dựng một mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế giúp thực thi tốt hơn quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình.
Tìm hướng đi đúng để bảo vệ tác quyền cho phim Việt - Ảnh 2
Hạn chế trong nhận thức về quyền tác giả, những món lợi từ môi trường kỹ thuật số, các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh… là những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực phim, ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chính thức có hiệu lực từ 15/12/2013 sẽ đưa ra những giải pháp mạnh tay để xử lý các trường hợp vi phạm. Nghị định này đã quy định cụ thể các mức phạt: Đối với hành vi xâm phạm bản quyền phân phối tác phẩm phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng (qua bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả) sẽ bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng… Tuy nhiên để áp dụng vào hoạt động thực tiễn của điện ảnh vẫn là vấn đề nan giải khi các vụ vi phạm bản quyền đã lan rộng ra phạm vi quốc tế và trở nên khó kiểm soát. Rõ ràng, chúng ta rất cần hình thành một tổ chức chuyên trách, chuyên sâu để bảo vệ quyền tác giả. Trước kia, các cơ quan công quyền cũng có xử phạt hành chính đối với các tổ chức cá nhân vi phạm Luật Bản quyền, nhưng việc quản lý và đảm bảo quyền các tác phẩm điện ảnh là chưa chuyên sâu, cho nên việc hình thành một tổ chức để quản lý bản quyền các tác phẩm điện ảnh là một nhu cầu tất yếu. Nhất là trong giai đoạn chúng ta đang hội nhập quốc tế như hiện nay.

Tức là cần một Trung tâm bảo vệ quyền tác giả điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

 - Chưa thể khẳng định được điều này, nhưng muốn bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cần phải hình thành một tổ chức chuyên trách. Bởi đặc thù của lĩnh vực phim truyện, phim truyền hình là đa thành phần sở hữu về quyền tác giả, tác phẩm. Ví dụ, một bài hát thì bản quyền thuộc về nhạc sĩ, một bài thơ bản quyền thuộc về nhà thơ, nhưng một bộ phim, bản quyền không thuộc về một người cụ thể mà bao gồm cả nhà sản xuất, đạo diễn… Do vậy, tổ chức chuyên bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm phim truyện và phim truyền hình ngoài giải quyết những vấn đề về tác quyền, tổ chức này còn có trách nhiệm bồi dưỡng đạo đức, tuyên truyền ý thức tôn trọng, thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan.

Vậy, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ làm gì để có thể cho ra đời một tổ chức chuyên trách nhằm bảo vệ tác quyền phim?

- Thực tế, điều này đã khiến không chỉ tôi mà bất cứ người làm điện ảnh chân chính nào cũng phải đau đầu suy nghĩ. Nguyên nhân là do không có kinh phí để chi trả cho các các cán bộ, cho các hoạt động của tổ chức. Mặt khác, chọn người nào để lãnh đạo, quản lý và giúp việc cho tổ chức này cũng là một bài toán khó vì những người có chuyên môn, trình độ, có nghề thường vướng bận nhiều việc… Tất nhiên, việc này khó nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Tôi nghĩ, thời gian đầu, bộ máy này sẽ phải hoạt động trên tinh thần tự nguyện của những người tham gia. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ trao đổi với một số chuyên gia của Đức xem mô hình của các nước châu Âu hoạt động như thế nào để học hỏi và áp dụng tại Việt Nam. Mặt khác, phía Hội Điện ảnh cũng sẽ tham khảo cách làm của các các tổ chức bảo vệ quyền tác giả như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam… để tìm ra một hướng đi đúng nhằm bảo vệ quyền lợi của đội ngũ làm phim truyện và phim truyền hình.

Xin cảm ơn ông!