Năm thứ nhất 2020 là năm Khởi động CĐS. Năm thứ hai 2021 là năm Tổng diễn tập CĐS trên phạm vi toàn quốc để phòng chống Covid-19. Năm thứ ba 2022 là năm Tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm thứ tư 2023 là năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới.
4 trụ cột phát triển kinh tế số
Năm 2024, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. “ Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội” TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định.
Trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, đã định hướng CĐS cho năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số.Chuyển đổi số cần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Hướng tới kinh tế xanh
Tại Hội thảo liên quan đến Chuyển đổi số các chuyên gia, các nhà quản lý hàng đầu Việt Nam như TS Lê Xuân Nghĩa, TS Hà Huy Tuấn (Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia), TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nguyên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tướng PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng (Chuyên ngành Dinh dưỡng và Thẩm mỹ), TS Võ Trí Thành (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nguyên cứu quản lý kinh tế Trung ương), PGS.TS. Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Hân (Giám đốc trung tâm Liền vết thương- BV bỏng quốc gia) đã phát biểu đề cập đến sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và quá trình Chuyển đổi số đối với công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Theo nguồn tin riêng của người viết, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chi 51,5 triệu USD để mua hàng triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Giá mua 5 USD/tín chỉ carbon, nhưng sau đó WB để lại cho VN tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính). Theo đó, một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng.
Hiện tại Việt Nam đã có Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN ra mắt tại TP.HCM để mua bán, trao đổi tín chỉ carbon. Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu ha (tương đương độ phủ 42%), Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD hằng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS).
Được biết WB đã thỏa thuận với Việt Nam mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại Bắc Trung Bộ. Đây chính là khoản hợp tác, hỗ trợ VN trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho VN, họ yêu cầu chúng ta phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà WB đã mua VN không được bán cho đối tác khác.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Thị trường carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chắc chắn những sàn Tín chỉ carbon sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên rất sôi động trong thời gian tới khi nguồn cung và cầu đều tăng.
Chuyển đổi số trong y tế
Đối với Chuyển đổi số trong y tế, các chuyên gia đều cho rằng tại thời điểm này ở Việt Nam việc thành lập Viện Công nghệ số và Sức khỏe tại thời điểm này đã chín muồi. Khi mà công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo phát triển, chúng ta có thể dùng công nghệ để thúc đẩy quá trình chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, thành lập Cổng thông tin bệnh nhân, tổng hợp phân tích dữ liệu bệnh nhân...
Ngoài ra, hoàn toàn có thể phát triển các thiết bị công nghệ đeo tay để theo dõi sức khỏe. Khi đó, thay vì chờ khi phát bệnh mới đến cơ sở y tế thì người dân những có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe của mình như nhịp tim, mồ hôi (để theo dõi lượng đường trong máu – một thói quen thiết yếu của bệnh nhân tiểu đường), thiết bị đo oxy (để theo dõi lượng oxy mang trong máu – được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19 và các bệnh về đường hô hấp khác). Vấn đề là ai sẽ đi tiên phong trong vấn đề vừa được xới lên trong dịp đầu năm mới?