Sản phẩm chính của ICC là kem đánh răng và chất tẩy rửa, cùng ngành hàng với các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, P&G vốn có nhiều ưu thế về thị phần. Chính vì thế, trong khi những doanh nghiệp lớn trên dành một khoản không nhỏ cho các chiến dịch quảng cáo, truyền thông để đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn thì ICC lại thực hiện chính sách hạn chế tối đa các khoản chi phí này. ICC biết rằng, không thể cạnh tranh trực tiếp với những tên tuổi lớn trên thị trường nên chọn những thị trường ngách, nơi mà cả Unilever hay P&G chưa bao quát hết. Cách tiếp cận khách hàng mà ICC lựa chọn đó là bằng con đường… truyền miệng, khi trực tiếp mang hàng chào bán đến tận tay người tiêu dùng, hướng dẫn cụ thể, cam kết đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh. Từ định hướng này mà thời gian qua, người tiêu dùng đã quen với hình ảnh nhân viên của ICC mang hàng ra chợ, giới thiệu tại chỗ và bán trực tiếp cho khách. Với sự trở lại của nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan, ICC được nhiều khách hàng nhiệt tình ủng hộ. Và mặc dù mang hàng đi "bán rong" nhưng đã giúp lợi nhuận của ICC dần phục hồi.
Tuy nhiên, bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng chỉ được ICC coi là giải pháp ngắn hạn. Trong định hướng thị trường của mình, để phát triển lâu dài và bền vững, ICC vẫn hướng đến việc xây dựng hệ thống bán hàng căn cơ hơn. Không vào được các siêu thị, cửa hàng, đại lý lớn, ICC chọn các nhà bán buôn quy mô nhỏ làm nhà phân phối và đẩy mạnh hệ thống nhân viên bán hàng. Với kế hoạch này, một lần nữa giúp ICC không tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu do chỉ thay đổi cách thức kinh doanh. Phần lợi nhuận sẽ được ưu tiên trích cho các khoản hoa hồng, chiết khấu, thưởng doanh số, thưởng trưng bày… cho đại lý, nhân viên. Một việc làm "nhất cử, lưỡng tiện" vừa giảm chi phí ban đầu, vừa giúp tăng doanh số bán ra rất đáng để các doanh nghiệp khác rút ra làm kinh nghiệm cho mình, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.