Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nụ cười tròn vẹn đã và đang trở lại với hàng ngàn trẻ em bị khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch trên khắp cả nước. Niềm vui đó có được là nhờ sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với nhiều chương trình phẫu thuật miễn phí.

Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) do các y bác sĩ đang công tác tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội sáng lập là một trong số những tổ chức có nhiều hoạt động thiện nguyện như vậy. 

Cuối tuần qua, hơn 40 gia đình có con em không may mắc chứng hở hàm ếch từ khắp mọi miền đã tìm về Viện Y học Hàng không (Hà Nội) để được khám và phẫu thuật miễn phí.

 
Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật - Ảnh 1
 
Một ca phẫu thuật cho trẻ của bác sĩ OSCA.

Tuổi thơ quên một tiếng cười

Chúng tôi gặp bé Hà Phúc Bảo An, con trai chị Nông Thị Nụ (dân tộc Tày, ngụ xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) tại Viện Y học Hàng không khi hai mẹ con đang xếp hàng chờ tới lượt vào khám. Bé Bảo An sẽ tròn 2 tuổi vào tháng 5 tới. Cậu bé ít cười, thi thoảng ngước nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Chị Nụ tâm sự, mang thai được khoảng 3 tháng thì chị không may bị sốt virus.
 
Dù đã được khuyến cáo của bác sĩ và không sử dụng thuốc kháng sinh, nhưng khi chào đời, bé Bảo An vẫn bị dị tật hở hàm ếch. Như bao hộ khác sinh sống tại xã nghèo Xuân Quang, kinh tế gia đình chị Nụ trông cả vào mấy sào nương rẫy. Hai vợ chồng làm quần quật cả năm cũng chỉ đủ trang trải hàng ngày, không dành dụm được là bao nên chẳng dám nghĩ chuyện chạy chữa cho con. Vì muốn dành dụm tiền để phẫu thuật cho con nên hai năm trở lại đây, chồng chị Nụ - anh Hà Phúc Bảo phải đi đãi cát vàng thuê, dù công việc vất vả và không kém phần nguy hiểm.
 
Qua một người họ hàng xa, anh chị hay tin có chương trình khám chữa miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch; mang theo toàn bộ số tiền dành dụm, chắt chiu được trong gần hai năm, cả gia đình cùng nhau lặn lội xuống Hà Nội nhờ các bác sĩ thăm khám, điều trị.

So với Bảo An, bé Ban Văn Nam, thôn Nà Bồng (xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) còn có phần kém may mắn hơn. Ở tuổi lên 7, bị sứt môi hở hàm ếch, những tự ti mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa dường như càng khiến Nam trầm lặng và nhút nhát hơn. Chuyến này về Hà Nội khám, bé Nam cũng không có bố mẹ đi cùng. Chú ruột của Nam - anh Ban Văn Trúc thật thà tâm sự: "Bố mẹ cháu chưa ra khỏi làng bao giờ, lại không nói được tiếng Kinh nên chuyến này tôi đưa cháu đi…".

Để đến Viện Y học Hàng không kịp giờ khám bệnh, hai chú cháu phải bắt xe từ 2 giờ chiều hôm trước tới 4 giờ sáng ngày hôm sau mới có mặt tại Hà Nội. "Ở xa nên cũng không biết thông tin gì. May hôm trước có cô y sĩ trên xã thăm bản, làm giấy giới thiệu xuống thành phố khám bệnh. Hy vọng Nam sớm được phẫu thuật…" - anh Trúc hồ hởi. 

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm gia đình không may có con em bị khe hở môi, hàm ếch từ khắp mọi miền tìm đến OSCA dịp cuối tuần qua với hy vọng tìm lại được nụ cười cho các em.

Chẳng có gì ngoài tấm lòng

Chương trình khám, phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch được OSCA tổ chức đều đặn hàng tháng, mỗi đợt kéo dài trong 5 ngày. Trung bình mỗi đợt, OSCA tiến hành khám và phẫu thuật cho khoảng 40 trẻ.

 
Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật - Ảnh 2

Niềm vui sau phẫu thuật.

Dù chi phí khám chữa bệnh, phẫu thuật, cũng như tiền phòng ở đã được miễn phí hoàn toàn, nhưng mỗi chuyến đi về Hà Nội vẫn khá tốn kém, đặc biệt là đối với các gia đình ở xa. Chính vì vậy, tất cả bệnh nhân đều được khám sàng lọc từ trước và hẹn ngày về Viện qua điện thoại. Nhờ đó, tình trạng bệnh nhân lặn lội ở xa đến khám mà phải ra về rất ít.

Có mặt tại một ca trực mổ của các y bác sĩ OSCA mới thấu hiểu phần nào tấm lòng của những tình nguyện viên ở đây. Để tiết kiệm thời gian và tránh cho bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu, các thành viên của OSCA làm việc từ khoảng 7 giờ sáng, qua trưa, cho tới khi hết bệnh nhân của ngày hôm đó (thường là 5 - 6 giờ  chiều). Họ chỉ thay phiên nhau tranh thủ đi ăn trưa sau mỗi ca trực mổ để sớm đem lại nụ cười cho trẻ khuyết tật.

 

Do nguồn tài trợ có hạn, chỉ đủ và đã dành trực tiếp cho bệnh nhân nên nhóm y bác sĩ tình nguyện không nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Không những thế, trong rất nhiều chương trình khám, phẫu thuật cho đồng bào nghèo ở những tỉnh, thành vùng sâu, xa, các tình nguyện viên còn đóng góp thêm tiền để mua quà tặng bệnh nhân.

Ngoài các chương trình được tổ chức tại Hà Nội, OSCA thường xuyên tiến hành các đợt khám, phẫu thuật cho trẻ bị hở hàm ếch thuộc nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước như Quảng Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Đắk Lắk, Cà Mau,… Những chuyến đi đó không chỉ vất vả hơn, mà các tình nguyện viên còn phải hy sinh khoảng thời gian quý giá bên cạnh gia đình, người thân.

"Tại Việt Nam hiện nay mỗi năm có thêm khoảng 2.500 trẻ em bị khe hở môi, vòm miệng. Phần lớn các em đều xuất thân từ gia đình nghèo, không có điều kiện phẫu thuật và hòa nhập với cộng đồng. Trung tâm OSCA được thành lập với mong muốn lớn nhất là có thể tiếp cận và tiếp nhận các trẻ em bị hở hàm ếch, đặc biệt là trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, để tư vấn và hỗ trợ các em cần được điều trị. Chúng tôi không có gì ngoài tấm lòng, chỉ hy vọng sự trợ giúp nhỏ này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quãng đời phía trước của các em…" - bác sĩ Vũ Bích Chi, thành viên sáng lập OSCA bộc bạch.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Trong hơn 5 năm hoạt động, với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các bệnh viện, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, đặc biệt là của các tình nguyện viên, OSCA đã tổ chức thành công rất nhiều chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị khe hở hàm ếch tại nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có gần 3.000 trẻ bị khe hở hàm ếch được Trung tâm phẫu thuật thành công. Bên cạnh các chương trình phẫu thuật nụ cười, nhiều chương trình tư vấn cho cộng đồng kiến thức về dị tật hở hàm ếch đã được Trung tâm triển khai tới địa bàn các xã trong tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hàng năm, hàng chục ngàn thư ngỏ, tờ rơi đã được gửi về Hội chữ thập đỏ các xã. Hàng trăm gia đình có trẻ hở hàm ếch đã được Trung tâm tư vấn qua điện thoại những kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Đó là những hoạt động từ tấm lòng của các bác sĩ ở đây nhằm sớm đem lại nụ cười cho trẻ bị dị tật.

Ngoài ra, OSCA cũng đang tiếp tục có kế hoạch nhằm hỗ trợ những điều trị cần thiết cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Cụ thể, chương trình trị liệu ngôn ngữ cho trẻ hở hàm ếch sau phẫu thuật đã được khởi động và mô hình trị liệu ngôn ngữ tại cộng đồng đang được thử nghiệm khá thành công tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Trung tâm với hàng chục cộng tác viên là bệnh nhân đang làm việc cho Dự án Nâng cao nhận thức của cộng đồng về dị tật hở hàm ếch tại Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Kạn... cũng góp phần đáng kể trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân có con, em mắc dị tật.

Dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng OSCA hiện cũng gặp phải không ít khó khăn. Một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay của OSCA vẫn là vấn đề kinh phí. Hiện tại, do không có điều kiện tổ chức nhiều chuyến đi xa nên phần lớn các chương trình khám, phẫu thuật miễn phí "phải" tổ chức tại Hà Nội, trong khi đối tượng mắc bệnh lại tập trung rất đông tại các tỉnh, thành xa xôi và có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Ngoài ra, việc thiếu địa điểm phẫu thuật cũng là một khó khăn lớn cho Trung tâm. Hiện tại, ngoài Viện Y học Hàng không, OSCA thường xuyên phải mượn phòng phẫu thuật của Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia… để khám chữa cho các bệnh nhân.   

Các y bác sĩ, tình nguyện viên của OSCA hy vọng, trong thời gian tới trung tâm sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, nhằm xây dựng một cộng đồng tương hỗ, góp phần mang lại nụ cười tròn vẹn cho những trẻ em không may bị dị tật hở hàm ếch.

 

Trong dịp có mặt ở OSCA, chúng tôi đã gặp nhiều phụ huynh đưa trẻ đến kiểm tra và điều trị bước hai. Đó là các em tới nay mới đủ 18 tháng tuổi để thực hiện ca phẫu thuật lần 2 cho các vấn đề ở vòm miệng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Khuất Trang Đậu ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ: "Cách đây hơn một năm, vợ chồng tôi đưa cháu xuống Bệnh viện Việt Nam - Cuba khám, nghe bác sĩ nói chi phí điều trị hở hàm ếch lên tới vài chục triệu đồng.Tôi làm phụ hồ, vợ làm nghề may, thu nhập chỉ đu trang trải cuộc sống thường nhật nên không biết lấy tiền đâu để chạy chữa cho con. May thay, ra đến cổng viện đọc được poster về chương trình khám, phẫu thuật miễn phí của Trung tâm OSCA. Hai vợ chồng mừng như bắt được vàng. Cách đây chừng 10 tháng, cháu đã được các bác sĩ của Trung tâm phẫu thuật tật sứt môi, nay cháu đủ 18 tháng tuổi, các anh chị Trung tâm lại gọi điện hẹn tới phẫu thuật vòm miệng cho cháu. Giờ cháu đã hay cười hơn, không quấy khóc nhiều như trước. Thực không biết phải cảm ơn các bác sĩ của Trung tâm thế nào…".