Kinhtedothi - Nguyên nhân những vụ cháy từ đâu? Trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án chung cư thế nào? Cảnh sát PCCC có những giải pháp gì trong công tác phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân? Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội để làm rõ những nội dung này.
Bài 3: Ý thức là mấu chốt để đẩy lùi “giặc lửa”
Thưa Đại tá, thời gian qua trên địa bàn Hà Nội xảy ra liên tiếp các vụ cháy chung cư cao tầng, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Ngay sau khi đổi mới, cách đây 15 - 20 năm qua, TP Hà Nội xây dựng nhiều chung cư cao tầng, một là giảm áp lực nhu cầu nhà của Nhân dân, đây cũng là tiếp thu xu hướng chung về xây dựng. Trải qua hàng chục năm sử dụng, nhiều công trình đã bị xuống cấp ở tất cả các hệ thống kỹ thuật, nhất là hệ thống kỹ thuật kèm theo tòa nhà, đặc biệt với hệ thống kỹ thuật điện rất dễ nguy cơ xảy ra cháy nổ. Do không bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành tốt công tác trang thiết bị của tòa nhà, thiết bị điện nên dễ xảy ra cháy.
Diễn tập PCCC tại chung cư Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hồng Thái
|
Cơ quan quản lý Nhà nước phải chuẩn bị tốt, nếu trong điều kiện các công ty, DN không chấp hành điều kiện đã được thẩm duyệt trong công tác PCCC thì kiến nghị thu hồi giấy phép hoặc tạm đình chỉ hoạt động xây dựng để làm sao họ chấp hành nghiêm túc những quyết định của cơ quan cảnh sát về PCCC. Khi có yêu cầu của cơ quan cảnh sát PCCC thì các cơ quan liên ngành phải thu hồi giấy phép xây dựng để đảm bảo nghiêm minh của pháp luật.
Chúng tôi cũng kiến nghị với các cơ quan, tổ chức đối với các công trình chỉ được tiến hành xây dựng khi mà đã được thẩm duyệt về thiết kế, thiết bị phòng cháy theo quy định. Nghiêm túc xây dựng đúng theo thiết kế đã được cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Trong trường hợp thiết kế lại, thiết kế bổ sung tòa nhà phải có sự thẩm duyệt của cơ quan PCCC. Quá trình xây dựng chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc tất cả quy định, nội quy về đàm bảo PCCC của đơn vị mình. Chỉ được phép đưa công trình vào hoạt động khi mà đã được nghiệm thu toàn diện về công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho cơ quan, tổ chức và cá nhân làm việc sinh sống trong tòa nhà đó.
Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm về PCCC có đủ sức răn đe?
- Theo Nghị định 167, việc tổ chức đưa công trình vào hoạt động nhưng chưa tổ chức nghiệm thu về công tác PCCC thì có mức xử phạt từ 50 – 100 triệu đồng. Nếu tính đầu tư về lĩnh vực PCCC sẽ lớn hơn rất nhiều, nhưng so với số tiền phạt không thấm tháp gì so với kinh phí phải đầu tư. Nhưng tôi cho rằng, cái đó không quan trọng, mà quan trọng là ý thức của chủ đầu tư phải xác định được hệ thống PCCC và những hệ thống kỹ thuật khác liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho chính chủ đầu tư. Có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tất cả người dân, cơ quan tổ chức sinh sống, làm việc hoạt động trong tòa nhà. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn cho toàn xã hội vào công tác giữ gìn trật tự an ninh nói chung cho TP cho nên chúng ta đặt cái đó lên hàng đầu. Còn vấn đề về kinh phí, có lẽ chúng ta không được giảm tiện, tiết kiệm mà phải đầu tư đúng, đủ cho tất cả các tất cả hệ thống an toàn theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát PCCC, theo quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước Việt Nam đã quy định.
Cảnh sát PCCC Hà Nội đã và đang thực hiện kiểm tra công tác PCCC như thế nào, thưa Đại tá?
- Cảnh sát PCCC Hà Nội đang thực hiện một số nội dung trọng tâm chính sau: Phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những tồn tại, thiếu sót trong lĩnh vực PCCC. Yêu cầu các quận, huyện tổ chức các đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm về PCCC trên địa bàn mình quản lý. Đề nghị, thời gian này người dân hết sức quan tâm trong điều kiện khô, hanh và trong điều kiện chúng ta đang tăng cường công tác sản xuất và nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình, các cơ quan rất cao phải lưu ý đến an toàn trong sử dụng điện, sử dụng các chất, hàng nguy hiểm dễ cháy nổ. Phải chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, làm tốt công tác PCCC, xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) xây dựng, củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ, phối hợp với các đơn vị để củng cố lực lượng PCCC cơ sở để làm sao đẩy mạnh lực lượng, tăng cường về trang bị phương tiện, về ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC chủ động xử lý các vụ cháy ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phương án, sẵn sàng thường trực 24/24 giờ để khi có tin về sự cố, cháy thì chúng tôi xuất xe nhanh, an toàn không để xảy ra cháy to, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, tổ chức, cơ quan, người dân...
Xin cảm ơn Đại tá!