Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lời giải cho bài toán khó: Ùn tắc giao thông thành phố Hà Nội

THS.KSĐT. Đinh Quốc Thái - Ban QLDA Quy hoạch xây dựng, Sở QHKT Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, vấn đề UTGT của thủ đô Hà Nội đã bắt đầu là vấn đề nóng mà biểu tượng của tình trạng này được người dân thủ đô thường nhắc đến là Ngã Tư Khổ (Ngã Tư Sở).

 Đã hơn 20 năm trôi qua, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều giải pháp chống UTGT cho thủ đô Hà Nội được áp dụng, nhưng đến nay đây vẫn là một bài toán khó chưa tìm được lời giải phù hợp.

UTGT tại ngã tư Sở những năm 1990. Nguồn internet
 Do hiện nay UTGT đã trở thành vấn nạn của thành phố nên đây đang là vấn đề nóng được toàn thể xã hội quan tâm, người người, ngành ngành tham gia hiến kế với mục đích giúp thành phố sớm có được giải pháp khắc phục tình trạng này, tuy nhiên các giải pháp vẫn chỉ mang tính cục bộ hoặc là phiến diện hoặc là thiếu tính cốt lõi để giải quyết được bản chất của vấn đề UTGT. Để giải quyết được bài toán này cần phải hiểu được bản chất và nội hàm của vấn đề UTGT như sau: 

Ùn tắc giao thông phải được chia là hai sự việc: Ùn và tắc giao thông.

Ùn giao thông là hiện tượng các phương tiện không thể chuyển động với tốc độ được phép lưu thông thông thường. Tắc giao thông bản chất là sự tập trung quá đông các phương tiện giao thông trên một khu vực diện tích giao thông không đủ đảm bảo để các phương tiện chuyển động bình thường. 

Sự UTGT nguyên nhân xảy ra có thể quy về hai đặc điểm chính sau: bắt đầu từ sự cố tại một điểm giao thông nào đó (có thể sự cố về giao thông thuần túy hoặc hành vi vi phạm luật giao thông, hoặc văn hóa tham gia giao thông kém, sự cố về hạ tầng kỹ thuật giao thông hỏng hóc hoặc đang sửa chữa, xây dựng…) hoặc do lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao nhanh chóng trên đoạn tuyến đường nào đó dẫn đến các phương tiện ùn dần đi chậm, sự ùn mỗi lúc một nhiều dẫn đến tắc giao thông cục bộ dần lan ra các khu vực xung quanh. Như vậy, có thể thấy để giải quyết vấn đề này ta phải giải quyết hai nguy cơ là sự cố và điều tiết không để lượng phương tiện quá lớn đổ về một khu vực nào đó. 

 Nguy cơ UTGT do ý thức kém (nguồn internet)
Để giải quyết vấn đề UTGT ta phải giải quyết được cả hai nguyên nhân đó. Đối với nguyên nhân do sự cố thì ta phải nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ và đảm bảo tất cả mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Đối với nguyên nhân tắc giao thông xuất phát do lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao nhanh chóng trên đoạn tuyến nào đó, các phương tiện đi ùn dần dẫn đến tắc thì ta phải làm giảm lượng phương tiện trên đoạn tuyến đường đó. Muốn làm như vậy ta phải mở rộng đường để tăng khả năng đáp ứng chứa được bình thường các phương tiện hoặc phân tán các phương tiện đi các tuyến đường khác, nhưng do quỹ đất có hạn nên không thể mở rộng đường mãi được và cũng không thể mở thêm nhiều tuyến đường hỗ trợ cho tuyến có nguy cơ tắc. Vậy nghĩa là ta phải giải quyết nhu cầu giao thông ban đầu từ hai đầu của tuyến đường. Đó là giải quyết nơi các phương tiện xuất phát và đích đến của các phương tiện. Điều này thì phải cần giải pháp tổ chức quy hoạch. 

Sơ đồ tổ chức quy hoạch

Trên sơ đồ tại hình A mô tả mối quan hệ giao thông từ khu vực ở đến khu vực trung tâm, theo thời gian khu ở sẽ phát triển mở rộng ra do sự gia tăng dân cư và khu vực trung tâm cũng dần phát triển mở rộng. Tại hình B mô tả sự phát triển của khu vực ở và khu vực trung tâm dẫn dẫn đến tuyến giao thông kết nối hai khu vực trên không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại thì yêu cầu phải hình thành thêm các tuyến giao thông hỗ trợ. Do quy đất có hạn không thể mở rộng đường hay mở thêm các tuyến giao thông hỗ trợ mãi được, khi đó yêu cầu phải giảm tải cho khu ở và khu trung tâm bằng các khu vực hỗ trợ (đô thị vệ tinh). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi các khu vực hỗ trợ dần cũng phát triển mở rộng đến ngưỡng tối đa thì sao ?.

Trên cơ sở phân tích trên, để giải quyết tính trạng UTGT cho thủ đô Hà Nội thì không thể là một vài giải pháp cụ thể hay giải pháp chuyên về lĩnh vực nào được, mà phải là tổng thể các giải pháp dựa trên ba giải pháp trụ cột sau:

+ Giải pháp về quy hoạch: đây sẽ là một chùm các giải pháp từ tổ chức phân bổ không gian chức năng các đô thị trong vùng thủ đô Hà Nội, phải làm giảm sự thu hút các phương tiện giao thông hướng về thủ đô Hà Nội. Phải quy hoạch hệ thống giao thông liên vùng tách riêng không để các phương tiện đi liên vùng đi quá gần khu vực nội đô Hà Nội. Đối với bài toán quy hoạch của thủ đô thì phải tạo ra các cực thu hút dân ra các đô thị vệ tinh để trách người dân dồn tập trung quá đông về đô thị trung tâm. Quy hoạch các điểm có chức năng thu hút lượng lớn người dân đổ về nội đô thường xuyên hàng ngày như các nhà máy, xí nghiệp, các trường đại học, bệnh viện, logistic ra khu vực ngoại vi trung tâm thành phố... Phải quy hoạch các đường giao thông và loại hình giao thông công cộng hỗ trợ nhau để người dân có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu đi lại và tạo sự hấp dẫn để người dân tham gia các loại hình giao thông công cộng…

 UTGT do xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (nguồn internet)

+ Giải pháp về quản lý: đây là giải pháp quan trọng nhất có thể mang lại hiệu quả sớm khi các giải pháp về quy hoạch và giải pháp về giáo dục phải cần nguồn lực và thời gian để thực hiện có hiệu quả. Các giải pháp này gồm có việc tổ chức phân luồng giao thông, điều chỉnh giờ làm công nhân, giờ đi học, giờ đáp ứng của các cơ quan công sở với các nhu cầu thủ tục hành chính của người dân. Giải pháp về công nghệ thông tin để giảm thiểu các thủ tục hành chính bắt buộc người dân phải đi lại trên đường. Các giải pháp chế tài đủ nghiêm minh để đảm bảo người tham giao thông tôn trọng và tuân theo đúng luật lệ giao thông…

+ Giải pháp về giáo dục: đây là các giải pháp mang tính liên tục và lâu dài, thực tế cho thấy nhiều trường hợp UTGT bắt đầu từ sự cố gây ra bởi sự thiếu ý thức trong văn hóa tham gia giao thông hoặc sự không chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông. Giải pháp giáo dục bao gồm các giải pháp tuyên truyền về ý thức và hiểu biết về pháp luật giao thông cũng như các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạp. Đối với trẻ em cần được giáo dục một cách nghiêm túc để việc hình thành ý thức, văn hóa và sự hiểu biết về luật lệ giao thông là một hành trang vào đời như những văn hóa, kỹ năng sống khác được hình thành trong quá trình phát triển của trẻ. Một thế hệ trẻ có ý thức giao thông tốt không những sẽ góp phần tạo sự văn minh trong các ứng sử với xã hội mà còn góp phần cho sự văn minh trong các hoạt động giao thông của thế hệ tương lai, có như vậy mới có thể góp phần giải quyết được bài toán khó UTGT trong tương lai.